Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Ngài Umeda Kunio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cùng đoàn công tác; lãnh đạo các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…
Hội nghị nằm trong chuỗi các sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản” do Bộ Ngoại giao tổ chức hàng năm với quy mô liên kết vùng nhằm kết nối các đối tác Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực với các địa phương Việt Nam. Hội nghị nhằm mục đích tạo bước chuyển biến trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng với Nhật Bản.
Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển nói chung, hợp tác kinh tế với Nhật Bản nói riêng để nâng cao hiệu quả, tạo động lực mới thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, đẩy mạnh hợp tác nguồn nhân lực và kết nối địa phương với các bên.
Góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản; Phát huy vai trò là trung tâm Khu vực Bắc Trung Bộ, nâng cao vị thế của tỉnh Nghệ An trước đối tác Nhật Bản; Quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Nghệ An và các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề hợp tác phát triển liên kết vùng khu vực Bắc Trung Bộ, tập trung các lĩnh vực như thu hút FDI, hợp tác nguồn nhân lực, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, du lịch, giáo dục đào tạo và lao động và tổ chức các cuộc gặp giữa Lãnh đạo các địa phương các tỉnh Khu vực Bắc Trung Bộ với Đại sứ Nhật Bản và đại diện các cơ quan/tổ chức quốc tế Nhật Bản (G2G), giữa Lãnh đạo các địa phương với các doanh nghiệp Nhật Bản (G2B) và giữa các doanh nghiệp hai nước (B2B).
Quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và toàn diện trên mọi lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và tiến hành tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị quốc tế.
Đến nay, Nhật Bản đã trở lại vị trí đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong các năm 2017 và 2018 với tổng giá trị FDI lần lượt là 9,1 tỷ USD và 8,6 tỷ USD.
Hiện có trên 250.000 người Việt Nam đang lao động, học tập tại Nhật Bản. Việt Nam hiện là nước dẫn đầu về số lượng phái cử lao động, thực tập sinh tới Nhật Bản hàng năm và số lượng thực tập sinh tại Nhật Bản (hơn 190.000 người) trong số 15 quốc gia đang phái cử.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức uy tín khác, xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2018 đứng vị trí 77/140 quốc gia, xếp hạng môi trường kinh doanh (DB) đứng thứ 69/100 nền kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) đứng thứ 45/127 nước…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn các bạn Nhật Bản sẽ hiểu thêm về tiềm năng, thế mạnh và chủ trương chính sách phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt là những định hướng và dự án ưu tiên thu hút ODA và FDI từ Nhật Bản.
“Tôi có thể khẳng định Chính phủ Việt Nam và các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ luôn hoan nghênh, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tác Nhật Bản mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác, đầu tư kinh doanh tại khu vực này.
Tôi kêu gọi các địa phương Bắc Trung bộ tích cực hơn nữa, đổi mới hơn nữa, và sáng tạo hơn nữa để tăng cường hợp tác với các đối tác Nhật Bản thiết thực, hiệu quả. Có chính sách đáp ứng tốt hơn nữa mong muốn của các đối tác Nhật Bản, đưa khu vực Bắc Trung Bộ của chúng ta thực sự trở thành điểm đến hứa hẹn và hấp dẫn với du khách, doanh nghiệp và các nhà đầu tư Nhật Bản.
Tôi mong rằng sau Hội nghị này, nhiều địa phương và doanh nghiệp sẽ tìm được đối tác của mình, nhiều ý tưởng hợp tác sẽ được hoàn thiện để đưa vào triển khai trong thực tế”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nguyễn Duy
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn