Trong khi các loại vi sinh vật khác có thể sinh trưởng và sinh sản độc lập thì virus phải xâm chiếm cơ thể vật chủ (chẳng hạn như tế bào con người) rồi từ đó nhân lên. Nếu không tìm thấy cơ thể sinh vật sống để tấn công, thông thường virus cũng mất luôn cơ chế gây bệnh. Nhưng các hạt virus vẫn có khả năng duy trì một khoảng thời gian ngắn từ vài giờ, vài ngày, thậm chí là vài tuần bên ngoài cơ thể vật chủ.
Các nhà khoa học cho rằng, virus vẫn có khả năng sống trong chất nhầy và các chất lỏng từ đường thở khi bị bắn ra ngoài môi trường, do đó, nó có khả năng phát tán khi các cá nhân bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, xì mũi. Phát tán trong không khí, các giọt nước nhiễm bệnh có thể “đậu” xuống ai đó hoặc bám vào các bề mặt thường xuyên bị đụng chạm như tay nắm cửa, xe đẩy hàng trong siêu thị hoặc ghế ngồi trong tàu điện ngầm... Virus cũng có thể lây nhiễm thông qua cử chỉ bắt tay khi bàn tay bị dính dịch chứa virus. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, trung bình mỗi người chạm tay lên mặt họ khoảng 20 lần/giờ, trong đó 44% chạm tay lên mắt, miệng và mũi đồng thời vô hình để cho virus xâm nhập sâu trong cơ thể.
Ông Chidiebere Akusobi - một nhà nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm tại Trường y tế công cộng Harvard nhấn mạnh: “Phá vỡ chuỗi truyền bệnh này có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”. Nên tập thói quen hắt hơi, xì mũi hay ho vào khăn, giấy hoặc khuỷu tay để khiến cho chất nhầy không bám vào tay/găng tay và vì thế nó sẽ không thể dính lên mặt được. Lưu ý rằng khi virus nằm trong các tế bào sống như bàn tay thì cách tốt nhất là loại bỏ hay tiêu diệt nó bằng cách rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch chứa cồn. Các hình thức thực hành thường xuyên này đã trở thành những thứ vũ khí siêu mạnh trong cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm.
Sơ đồ cho thấy virus có “phong bì” (trái) và virus không “phong bì” (phải). SARS-COV-2 và các loại Corona virus khác đều có phong bì, nghĩa là lớp chất béo phủ ngoài của chúng có thể bị diệt bởi xà phòng và cồn.
BS. Sallie Permar - một nhà nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Duke (Durham, Bắc Carolina, Mỹ) quả quyết: “Rửa tay là một trong những cách thức quan trọng nhất để làm gián đoạn đường lây lan của COVID-19 hoặc các mầm bệnh độc hại khác. Nó tạo ra một tác động lớn đối với việc kìm hãm ổ dịch”.
Trước khi ăn, phải tuyệt đối rửa tay thật sạch, cũng tương tự như vậy sau khi tiếp xúc/chăm sóc người đau ốm. Bà Kellie Jurado - nhà vi trùng học tại Trường y học Perelman (Đại học Pennsylvania, Mỹ) khẳng định: “Rửa tay là cách đơn giản nhất để hạn chế lây nhiễm. Phải tự phòng ngừa cho chính mình tránh bị lây nhiễm cũng như truyền bệnh cho người khác”.
Để lý giải điều này, các nhà khoa học cho biết: Xà phòng có thể vô hiệu hóa SARS-COV-2 và các loại virus khác có lớp phủ ngoài gọi là “phong bì” vốn giúp cho mầm bệnh có thể bám và xâm nhập các tế bào mới. Các “phong bì” virus và những phân tử xà phòng đều chứa các chất béo mà có khuynh hướng tương tác lẫn nhau khi chúng đặt gần nhau, xà phòng sẽ phá vỡ các “phong bì” và “chặt cụt” mầm bệnh của virus. Các chất khử trùng tay có chứa cồn cũng nhắm mục tiêu vào những “phong bì” virus dạng này.
Rửa tay không chỉ gạt mầm bệnh khỏi da mà còn hủy diệt luôn cả chúng, bao gồm cả virus gây bệnh COVID-19.
Ông Benhur Lee - một nhà Vi sinh học tại Trường y học Icahn (Mount Sinai, New York) giải thích: “Trong khi xà phòng dùng tính vật lý để phá hủy “phong bì” bằng một lực cực mạnh thì cồn làm thay đổi các đặc tính hóa học của “phong bì” khiến cho nó mất ổn định và dễ bị thấm ra ngoài (lưu ý rằng cồn ở đây là một dạng hóa chất như ethanol hay isopropyl).
Cồn cũng xâm nhập sâu vào “nội thất” của mầm bệnh, phá vỡ chất đạm của virus. Các chất khử trùng tay được sản xuất mà không có cồn (như được quảng cáo trên thị trường là “an toàn cho trẻ em” hay “tự nhiên”) đều không có cùng tác dụng như chất khử trùng có chứa cồn. CDC khuyến nghị nên dùng các chất khử trùng tay có chứa ít nhất 60% nồng độ cồn (40% còn lại là nước để phá vỡ các chất đạm của mầm bệnh, nếu là 100% cồn thì không hoàn toàn tốt). Nhưng theo CDC, chất khử trùng tay tỏ ra bất tiện hơn cách rửa tay bằng nước và xà phòng, đồng thời chất khử trùng tay chứa cồn chỉ có chức năng khử khuẩn chứ không hoàn toàn khiến tay sạch như xà phòng và nước.
(Theo smithsooniannmag)
Tác giả: NGUYỄN THANH HẢI
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn