Tầm nhìn Mekong: Nên loại bỏ các trở ngại chính trị để phát triển kinh tế!

Thứ tư - 12/09/2018 16:34
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tôn trọng đường lối chính trị, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ để 5 nước Mekong mãi mãi là anh em. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng cho rằng, nên loại bỏ các trở ngại chính trị, vì nếu 5 nước Mekong có khoảng cách chính trị thì khó để nói về việc phát triển kinh tế.

Vấn đề nói trên đươc lãnh đạo các nền kinh tế Mekong gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan đưa ra khi đề cập tới địa chính trị trong phiên thảo luận “Tầm nhìn mới khu vực Mekong”, chiều 12/9, trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN), tại Hà Nội.

Loại bỏ trở ngại chính trị giữa 5 nước Mekong

Đại diện Ban tổ chức WEF - người điều hành phiên thảo luận - đặt vấn đề: Sức mạnh kinh tế của các nước khu vực Mekong đang lớn, nếu 5 nước liên kết với nhau thì địa chính trị của khu vực Mekong như thế nào? Câu trả lời được lãnh đạo các nước Mekong gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan chia sẻ thẳng thắn.

Tầm nhìn Mekong: Nên loại bỏ các trở ngại chính trị để phát triển kinh tế!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) trao đổi tại phiên thảo luận

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Tôn trọng đường lối chính trị, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, để 5 nước Mekong mãi mãi là anh em. Tôn trọng khi xử sự với nhau để mang lại sự ấm no, hạnh phúc trong khu vực Mekong.

Trong khi đó, Cố vấn Nhà nước Myanmar - bà Daw Aung San Suu Kyi nói: Myanmar có vị thế địa chính trị nhất định khi giáp với Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á nhưng cần phải cân bằng, bởi địa chính trị không thể như trước đây, sự thay đổi về vị thế chính trị sẽ làm cho các nước gần nhau hơn.

Theo Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, 5 nước chung dòng Mekong nhưng cũng có những khác biệt về kinh tế, văn hoá... Tuy vậy, những khác biệt này cũng là lợi thế để chúng ta khai thác. Thủ tướng Lào tin tưởng có thể sử dụng những lợi thế để đem lại lợi ích chung cho khu vực. “5 nước phải hợp tác với nhau để phát triển. Chúng ta không thể làm việc riêng lẻ mà có thể hợp tác.” - Thủ tướng Lào nói.

Tầm nhìn Mekong: Nên loại bỏ các trở ngại chính trị để phát triển kinh tế! - Ảnh minh hoạ 2
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (giữa) nhấn mạnh việc 5 nước Mekong hợp tác để phát triển

Chia sẻ quan điểm thẳng thắn về địa chính trị, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đặt ra câu hỏi: Khu vực Mekong đang hướng gần hơn tới phía nào và thay đổi về liên kết, liên minh?

Theo Thủ tướng Hun Sen, khu vực Mekong cần xem xét từ khía cạnh quá khứ. Trước đây, Chính phủ các nước Mekong không quan hệ tốt với nhau do ảnh hưởng của chiến tranh lạnh, nhưng người dân thì vẫn làm ăn với nhau, họ vẫn sống với nhau một các hoà thuận.

Hiện tại, Chính phủ các nước đều mong muốn hợp tác với nhau, mong muốn tạo điều kiện để người dân làm ăn tốt với nhau, tạo điều kiện cho người dân sống ở ven bờ sông Mekong. Tôi tin rằng, tương lai chúng ta sẽ là một cộng đồng và có vị trí cụ thể.

Tầm nhìn Mekong: Nên loại bỏ các trở ngại chính trị để phát triển kinh tế! - Ảnh minh hoạ 3
Thủ tướng Campuchia Hun Sen có những chia sẻ thẳng thắn về địa chính trị, ông cho rằng nên loại bỏ trở ngại về chính trị để phát triển kinh tế

Người đứng đầu Chính phủ Campuchia cũng thẳng thắn nêu lên vấn đề chính trị của mỗi nước khu vực Mekong, trong đó ông nhấn mạnh Việt Nam, Lào là những nước có duy nhất 1 Đảng, 3 nước còn lại là đa Đảng. Bởi vậy, nói về một nước Mekong nào đó thì phải hiểu về chính trị của nước đó, phải hiểu về lịch sử và đường lối, chủ trương của họ.

“Đây là diễn đàn kinh tế nhưng tôi cho rằng chúng ta nên loại bỏ các trở ngại chính trị, vì 5 nước Mekong ngồi đây mà có khoảng cách chính trị thì khó để nói về việc phát triển kinh tế” - Thủ tướng Campuchia Hun Sen nêu quan điểm.

Mekong - khu vực trung tâm quan trọng

Đại diện Ban tổ chức WEF đưa ra giả thiết: Nếu khu vực Mekong là 1 nước thì đó sẽ là quốc gia đông dân lớn thứ 6 của thế giới với 240 triệu người, cộng GPD của 5 nước lại sẽ đạt 800 tỷ USD. Nếu Mekong là một nền kinh tế, thì nền kinh tế này sẽ nằm trong khối G20 và là nền kinh tế xuất khẩu lớn thứ 7 thế giới.

“Rõ ràng, khu vực Mekong rất quan trọng. Năm quốc gia thuộc khu vực Mekong là láng giềng của nhau nhưng họ chưa thực sự liên kết với nhau, đây chính là vấn đề để lãnh đạo 5 nước Mekong có mặt tại đây để thảo luận, để các nước đến gần với nhau hơn.” - đại diện WEF nói.

Tầm nhìn Mekong: Nên loại bỏ các trở ngại chính trị để phát triển kinh tế! - Ảnh minh hoạ 4
Lãnh đạo cấp cao các nước Mekong khẳng định mục tiêu của khu vực Mekong là hoà bình, hợp tác, phát triển, kết nối

Đề cập tới “Tầm nhìn mới khu vực Mekong”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ASEAN là một khối thống nhất trong đa dạng, 5 nước Mekong là điển hình của điều đó. Trong cuộc cách mạng 4.0, vấn đề kết nối và hội nhập là rất quan trọng.

Trước câu hỏi: Cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi tầm nhìn của các nước Mekong như thế nào? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Tầm nhìn của các nước Mekong là hoà bình, hợp tác, phát triển, kết nối. Cách mạng 4.0 sẽ không ảnh hưởng tới tầm nhìn của các nước Mekong, nhưng có thể thay đổi một số phương thức, động lực để phát triển.

“Kết nối 4.0 nhiều mặt tác động đến nhiều mặt của các quốc gia, nên chúng ta cần thay đổi như thương mại điện tử, quản lý kinh tế, dỡ bỏ rào cản... Phương thức điều chỉnh có thể thay đổi nhưng tầm nhìn thì không thay đổi giữa 5 nước Mekong, 4.0 sẽ giúp cho tầm nhìn nhanh hơn và hiệu quả hơn.” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm.

Tầm nhìn Mekong: Nên loại bỏ các trở ngại chính trị để phát triển kinh tế! - Ảnh minh hoạ 5
Phiên thảo luận Tầm nhìn mới khu vực Mekong

Phó Thủ tướng Thái Lan Rrajin Juntong cho rằng, trong tương lai khu vực Mekong sẽ là trung tâm và trọng tâm đưa mọi người lại gần nhau.

“Chúng ta không thể vẽ lên bản đồ thế giới về tương lai khu vực, nhưng chắc chắn dòng sông Mekong đóng vai trò là trung tâm quan trọng, có thể kết nối giữa Đông và Tây, phải và trái, kết nối các khu vực với nhau. Chúng tôi cũng hi vọng có thể kết nối số, kết nối văn hoá trong khu vực Mekong.” - ông Rrajin Juntong nói.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây