Sáng 11/4, trong khuôn khổ phiên họp thứ 23, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Xử lý trực tiếp tài sản bất minh ảnh hưởng đến quyền công dân
Về việc xử lý tài sản bất minh, báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật nêu rõ, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định chi tiết về thu hồi, chế tài xử lý đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp như nghiên cứu thêm các biện pháp thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thông qua thủ tục dân sự; quy định thủ tục tư pháp một cách công khai và chặt chẽ.
Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, việc xử lý tài sản, thu nhập chêch lệch do kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý có liên quan đến quyền sở hữu tài sản của người kê khai và vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai.
Do đó, việc áp dụng các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập là một vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Trường hợp áp dụng thì cũng cần phải sửa rất nhiều các đạo luật có liên quan mới được Quốc hội thông qua như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự.
Như vậy, việc quy định các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này là chưa thích hợp.
Từ những phân tích ở trên, Chính phủ đề xuất quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm và người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành tài sản, thu nhập theo 2 phương án.
Áp thuế 45% thể hiện thái độ của nhà nước với người có tài sản bất minh
Cụ thể, dự thảo luật mới nhất đã bổ sung Điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm, theo 2 phương án.
Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật PCTN (Điều 123 của dự thảo Luật).
Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Đối với cả 2 phương án, dự thảo Luật đều quy định người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa án hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.
Trong 2 phương án trên, Chính phủ lựa chọn phương án 1, vì cho rằng phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam hiện nay. Phương án này cũng nhằm thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều không có đủ bằng chứng xác thực về căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Sau khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân thì thu nhập do vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng là thu nhập chịu thuế với mức thuế suất là 45% trong biểu thuế toàn phần, Chính phủ cho biết.
Phương án trên, theo Chính phủ cũng đã thể hiện rõ tinh thần việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội để tránh cách hiểu theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng hoặc trái với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Báo cáo của Chính phủ cũng nói rõ, việc thu thuế đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch giữa thực tế và kê khai hoặc tăng thêm chỉ được áp dụng sau khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiến hành xác minh, kết luận người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có đủ bằng chứng kết luận về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm này có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
Do vậy, phương án này phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự vì người kê khai đã không giải trình được tài sản, thu nhập này là hợp pháp, là của cải để dành theo điều 32 Hiến pháp năm 2013 và không thuộc các trường hợp được xác lập quyền sở hữu theo điều 221 Bộ luật Dân sự.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn