Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, ngày 28/3, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã họp phiên thứ nhất để bàn triển khai nhiệm vụ cấp bách của Tổ công tác.
Theo Bộ Tư pháp, trong thời gian vừa qua, với phương châm xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Đến nay, về tổng thể, hệ thống pháp luật nước ta đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; chất lượng các văn bản pháp luật dần được nâng lên.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hệ thống pháp luật nước ta vẫn còn những hạn chế, nhất là là vẫn còn những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn chậm được phát hiện, khắc phục kịp thời.
Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch rà soát văn bản theo các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ gồm 31 thành viên là lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan Trung ương; trong đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm Tổ trưởng Tổ công tác; các Tổ phó Tổ công tác gồm: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu (Tổ phó thường trực), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.
“Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát những quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”- Bộ Tư pháp cho hay.
Giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế
Trước diễn biến hết sức phức tạp, tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp các quy định của pháp luật cụ thể gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế.
Trong đó nghiên cứu, tập trung rà soát hệ thống pháp luật từng vấn đề thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan quản lý nhà nước. Đề xuất các nhóm giải pháp chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật để ứng phó toàn diện, đồng bộ và hữu hiệu đối với các tác động của dịch bệnh.
Tại cuộc họp, Tổ công tác đã tập trung trao đổi, thảo luận các nhiệm vụ cụ thể về rà soát chuyên sâu các nhóm văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đề cập đến các nhóm văn bản liên quan trực tiếp đến đầu tư kinh doanh như: thành lập doanh nghiệp; phê duyệt, triển khai thực hiện dự án đầu tư; tiếp cận nguồn lực (đất đai, tài nguyên, tín dụng…) trong hoạt động kinh doanh; lao động, việc làm và an sinh xã hội; hợp đồng, giải quyết tranh chấp kinh doanh; kiểm tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp...
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Tổ công tác xác định, tổ chức triển khai hai nhóm nhiệm vụ trọng tâm là rà soát chuyên sâu, chuyên đề, lĩnh vực theo nhóm các văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời rà soát, kiến nghị sửa đổi ngay những văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan… để ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19.
Để nắm bắt kịp thời các thông tin phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về các văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống kinh tế - xã hội, Tổ công tác đã xây dựng chuyên mục “Tiếp nhận phản ánh văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, bất cập” tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/tiep-nhan-phan-anh-vbqp.aspx?ItemID=1) và địa chỉ email: tocongtac236@moj.gov.vn.
Bộ Tư pháp khẳng định, phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân về văn bản chồng chéo, bất cập cũng như các sáng kiến, đề xuất hoàn thiện pháp luật sẽ được Tổ công tác rà soát, xem xét kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn