“Sân bay Long Thành: Gánh sao nổi 1 tạ tài liệu phải thẩm định trong ít ngày”?

Thứ bảy - 14/09/2019 23:02
(Dân trí) - “Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, đã ưu tiên bố trí đủ 23.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng mà đến nay chưa làm gì được. Giờ Chính phủ trình báo cáo khả thi, 1 tạ tài liệu phải thẩm định mà chỉ có ít ngày, làm sao gánh nổi?” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lo ngại.

Đây là một nội dung gây nhiều băn khoăn khi UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội trong phiên họp chiều 14/9.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp này là 23 ngày. Trong đó, xây dựng luật 13 ngày, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác 8 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào sáng 21/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 20/11.

Về nội dung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị bổ sung việc trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Hiện nay Hội đồng thẩm định nhà nước đang tiến hành thẩm định. Đây là nội dung rất quan trọng nên Chính phủ xin được trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét vào phiên họp tháng 10/2019  sau đó trình Quốc hội tại kỳ thứ 8.

“Sân bay Long Thành: Gánh sao nổi 1 tạ tài liệu phải thẩm định trong ít ngày”?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lo lắng, không phải cơ quan chuyên môn sâu khó gánh được việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành chỉ trong ít ngày.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự án) Vũ Hồng Thanh cho rằng, đề nghị trên rất khó thực hiện bởi vì sau khi Thường vụ Quốc hội xem xét thì chỉ còn ít ngày là khai mạc kỳ họp Quốc hội. Trong khi đó, hồ sơ báo cáo hơn 1 tạ. Mà hiện cơ quan chức năng vẫn đang thuê tư vấn nước ngoài đánh giá một số vấn đề, như thế rất khó để kịp trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển quả quyết với tình hình như thế thì không thể trình báo cáo nghiên cứu khả thi ra Quốc hội được, 13/10 Thường vụ mới họp phiên thứ 38, đến 21/10 đã khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Thời gian đó, theo Phó Chủ tịch không đủ để thẩm tra, chưa nói còn đánh giá tác động, tổ chức hội thảo lấy thêm ý kiến. Dự án lớn thế thẩm tra qua loa thế nào được, nếu cần thì trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020 - PV) ông Hiển nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị, đây là dự án rất quan trọng, Chính phủ mong được đưa vào cuối chương trình kỳ họp thứ 8 để Quốc hội có thể thông qua, để triển khai được trong năm nay vì nếu chờ thêm 1 kỳ họp thì tiến độ càng chậm. “Chính phủ xin được thông cảm là hội đồng thẩm định dự án có cả tổ chức quốc tế nữa nên hoàn thành hơi chậm. Nhưng Thủ tướng đang chỉ đạo quyết liệt việc này” – ông Dũng nói.

Kết thúc thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh là bản thân bà và Thường vụ Quốc hội rất sốt ruột về tiến độ dự án sân bay Long Thành.

Đây là dự án trọng điểm quốc gia, ban đầu tiền ít, sau đó quyết định đưa thêm 15.000 tỷ cho đủ 23.000 phục vụ việc giải phóng mặt bằng rồi mà đến nay chưa làm gì được. Giờ 1 tạ tài liệu mà chỉ có ít ngày, UB Kinh tế và Bộ GTVT ngồi lại xem khả năng làm thế nào. Chức năng của Quốc hội là quyết định chủ trương đầu tư dự án, còn với báo cáo nghiên cứu khả thi, số tài liệu 1 tạ phải đó muốn thẩm tra cũng phải có chuyên môn sâu chứ Thường trực UB Kinh tế làm sao gánh nổi” – Chủ tịch Quốc hội không yên tâm.

Tuy nhiên, vì sự quan trọng của công trình, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nếu UB Kinh tế thấy hồ sơ đáp ứng được yêu cầu thì cố gắng đưa vào chương trình kỳ họp để Quốc hội xem xét.

Kỳ họp thứ 8, dự kiến trong chương trình làm việc 23 ngày, Quốc hội dành 12 ngày cho công tác lập pháp; xem xét, thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật.

“Sân bay Long Thành: Gánh sao nổi 1 tạ tài liệu phải thẩm định trong ít ngày”? - Ảnh minh hoạ 2
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội .

Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; Xem xét các báo cáo về công tác tư pháp; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; Thực hiện giám sát chuyên đề và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu tinh thần giảm hoặc bỏ thảo luận ở tổ do hiệu quả chưa cao. Trước mắt, đối với nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước: đề nghị không bố trí thảo luận ở tổ và tăng thời gian thảo luận ở hội trường, đồng thời, giảm thời gian phát biểu của đại biểu từ 7 phút xuống còn 5 phút.

Ông Hạnh Phúc cũng đề nghị giảm tối đa tài liệu bằng văn bản giấy, đồng thời, nâng cấp để tăng tiện ích của phần mềm cung cấp, thông tin tài liệu kỳ họp trên thiết bị di động, bảo đảm tiến độ chuẩn bị và gửi tài liệu để thuận tiện cho việc nghiên cứu, sử dụng tài liệu điện tử.

P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây