Giải trình với các đại biểu Quốc hội sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, ban soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia sẽ nghiên cứu, tiếp thu trên tinh thần vấn đề nào có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất, không có lợi cho dân thì không làm.
“Các đại biểu cũng thấy là rất khó, đến hai nhiệm kỳ và đến giờ này cũng vẫn khó, bởi vì nó có những sự tương đối đối đầu với nhau giữa mong muốn luật bảo vệ sức khỏe con người tối đa và các nhà sản xuất, kinh doanh cũng muốn doanh thu và lợi nhuận”- bà Tiến nói.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Y tế cho rằng luật này cố gắng tiếp cận một cách hài hòa giữa khía cạnh sức khỏe, kinh tế - xã hội. Khi luật ra đời thì tiếp cận ở khía cạnh sức khỏe nhiều hơn. Còn các mặt khác được chi phối ở các luật khác, phải đồng bộ với các luật hiện hành và hội nhập với quốc tế cũng như tính khả thi.
“Chúng tôi trân trọng cảm ơn và đánh giá rất cao những đóng góp hết sức trí tuệ, hết sức nhân văn và cũng rất sâu sắc, trên tinh thần đặt lợi ích của cộng đồng và sức khỏe lên trên. Một lần nữa chúng tôi lắng nghe, tiếp thu và sẽ cùng với Ban soạn thảo để điều chỉnh, chỉnh sửa để trình trong thời gian tới”- bà Tiến nói.
“Khó mà tự hào với vị trí dẫn đầu Đông Nam Á và thứ ba Châu Á về bia, rượu”
Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 16/11, đại biểu Phan Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn chứng, từ năm 2014 đến 2016, khi mức tiêu thụ rượu, bia toàn cầu tăng không đáng kể thì mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt lại tăng gấp đôi và đây chỉ là con số thống kê được.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi ngày tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia làm tổn thất khoảng 250 tỷ đồng. Chưa kể những hậu quả nặng nề và lâu dài cho xã hội mà không thể đo đếm được.
Dù bia, rượu là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp ít nhất 200 bệnh tật, nằm trong danh mục phân loại bệnh quốc tế, ảnh hưởng cả ba khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế mà Bộ trưởng Bộ Y tế đã báo cáo Quốc hội, nhưng các quảng cáo bia, rượu làm cho người nghe nhầm tưởng sự hấp dẫn đến từ một loại thuốc bổ hay thần dược nào đó, như “hào khí ngàn năm”, “chung một đam mê”, “chất men thành công” hay “nâng ly vì chí lớn”,...
“Từ đó đã quên hay cố tình quên đi các vụ thảm án, tai nạn giao thông, bi kịch gia đình, các vụ bạo hành, vợ mất chồng, con mất cha cũng vì từ bia, rượu mà ra. Nếu đòi hỏi một văn hóa uống từ người tiêu dùng thì đây có phải là văn hóa sản xuất của ngành rượu, bia?”- ông Nhân dẫn thực tế.
Do đó, vị đại biểu đồng ý cao với sự cần thiết ban hành luật và chế định chặt chẽ, nhằm hạn chế tối đa việc quảng cáo bia, rượu. Phải trả nó về đúng với bản chất nguy hại vốn luôn trực chờ và khi hưng phấn cố tình vượt lời răn giữa lợi và hại.
“Việc quảng cáo bia, rượu phải bị cấm trong tất cả các chương trình trên báo nói, báo hình, báo điện tử, mạng xã hội chứ không chỉ riêng các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu điện ảnh dành cho thiếu nhi như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11”- ông nói.
Vị đại biểu tỉnh Bình Dương khẳng định: “Thật khó mà tự hào với vị trí dẫn đầu Đông Nam Á và thứ ba Châu Á về bia, rượu. Phải chăng một phần nguyên nhân thành tích xuất phát từ tính sẵn có của nó trong đời sống xã hội hay nỗ lực từ ngành bia, rượu. Các địa điểm bán rượu, bia không cần tốn công để tìm bởi có mọi lúc, mọi nơi, từ các tiệm tạp hóa, quán ăn vỉa hè đến các nhà hàng sang trọng, thậm chí ở các đô thị có sẵn những con đường ăn nhậu sẵn sàng phục vụ thâu đêm”.
“Chúng ta bảo vệ sức khỏe của nhân dân hay chọn khoản thu 50.000 tỷ đồng mỗi năm? Nhưng đừng quên rằng, tổn thất do nó để lại lên đến 65.000 tỷ. Như thế, có khác gì kéo lùi sự phát triển của đất nước, vậy mà không ít người lại cổ súy là văn hóa uống”- ông Nhân nói tiếp.
Trong khi đó, đại biểu Quàng Thị Vân (Điện Biên) uớc tính việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam đã khiến hàng chục nghìn người tử vong và hàng trăm nghìn người phải nhập viện vì điều trị các bệnh có liên quan đến rượu, bia. Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp của một số bệnh dẫn đến bệnh ung thư, như ung thư thực quản, ung thư dạ dày,... và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến não bộ và thần kinh bị ức chế, tê liệt, lâu ngày sẽ dẫn đến loạn thần, trầm cảm, suy giảm trí nhớ, rối loạn hành vi.
“Số người chết do tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia cũng ngày càng tăng. Vì lý do trên, tôi rất ủng hộ và mong muốn luật sớm được ban hành để có những biện pháp xử lý phù hợp, làm giảm tác hại do rượu bia gây nên”- vị đại biểu đề xuất.
Cấm ép uống rượu bia với tất cả lứa tuổi
Đại biểu Hà Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng, thực tế thì 18 tuổi trở lên mới là đối tượng uống rượu, bia nhiều và tuổi đó mới ép nhau nhiều, bạn bè ép nhau, anh em ép nhau, đồng nghiệp ép nhau. Đã có những trường hợp ép nhau mà không uống thì bị cho là coi thường nhau dẫn đến ẩu đả, thù hằn và chém giết nhau cho hả giận.
“Tôi cho rằng việc ép người khác uống rượu, bia là hành động thiếu văn hóa, phản cảm, gây nên những hậu quả không đáng có trong các mối quan hệ xã hội mà đang là một thực trạng của không ít người đang có hành vi ép người khác uống rượu, bia. Tôi đề nghị cần quy định cấm ép uống rượu, bia ở tất cả các thành phần, các lứa tuổi chứ không phải chỉ dưới 18 tuổi”- bà nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá, rượu là một phát minh của loài người, có mặt trong các cuộc vui, cuộc buồn, từ mỗi gia đình đến quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, rượu cũng là nguyên nhân gây ra vô vàn tác dụng có hại ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật, đặc biệt ở hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, tâm thần gây ra các tai nạn giao thông, tổn hại hạnh phúc gia đình.
“Là một bác sĩ và cũng là một người hầu như không uống rượu, tôi hiểu và chia sẻ sâu sắc với những nỗi đau đó. Vậy xây dựng một luật để ngăn chặn triệt để tác hại của rượu là rất cần thiết, nên ủng hộ nhưng thực sự là một điều rất khó vì lợi, hại đan xen, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, khó đồng nhất về quan điểm”- ông nói.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn