TS. Nguyễn Đức Toàn - Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường - cho biết trường là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của toàn ngành. Đây cũng sẽ là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập của ngành trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trường sẽ phấn đấu đến năm 2030 trở thành Học viện Cán bộ tài nguyên và môi trường - nơi tập trung các giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn và có các chương trình liên kết đào tạo quốc tế chất lượng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại.
Theo TS. Nguyễn Đức Toàn, thời gian tới nhà trường sẽ tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đội ngũ nhân sự, chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
“Nhà trường khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên chủ động tiếp cận phương thức quản lý và mô hình đào tạo tiên tiến trên thế giới thông qua việc tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế” - ông Toàn nói.
Thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông báo: Những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành có liên quan đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo và phát triển nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, toàn ngành đã có 65.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tại các cơ quan từ Trung ương, địa phương đến các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế do sự bất cập cả về số lượng, chất lượng cũng như cơ cấu ngành nghề.
Mặc dù vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực tài nguyên và môi trường còn nhiều hạn chế và bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý ngành trong bối cảnh đổi mới toàn diện và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.
Trước thực tiễn đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ quyết định thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường trên cơ sở kế thừa, sắp xếp và tổ chức lại 6 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trước đây trực thuộc các tổ chức trực thuộc Bộ.
Đây là bước đi quan trọng thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ về đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung đầu mối, nguồn lực nhằm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của ngành Tài nguyên và Môi trường.
“Là đơn vị mới được thành lập, chắc chắn sẽ còn gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết ban đầu. Điều đó đòi hỏi tập thể Ban Giám hiệu, viên chức và người lao động Nhà trường phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức; tăng cường đoàn kết, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”- ông Hà nhắn nhủ và yêu cầu phương pháp giảng dạy của nhà trường phải có sự đổi mới, sáng tạo, thu hút được người học, tránh rập khuôn, nhàm chán, máy móc.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn