Dự lễ kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh Quảng Trị có Uỷ viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và các vị khách quốc tế. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng và đông đảo cán bộ, bà con nhân dân...
Chiến tranh tàn phá, đi lên từ khó khăn...
Sau hơn 14 năm chung sức kiến thiết, xây dựng quê hương Bình Trị Thiên, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Từ ngày 1/7/1989, tỉnh Quảng Trị chính thức trở về với tên gọi của mình. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu mới, tạo điều kiện và cơ hội để các địa phương cùng vươn lên phát triển.
Quảng Trị là mảnh đất của những cuộc đối đầu, đọ sức quyết liệt, những xáo trộn, chia cắt, phân ly; là chiến trường khốc liệt của nhiều cuộc kháng chiến kéo dài, nhưng là mảnh đất kiên cường, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Khái quát về sự phát triển của tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Hùng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, 30 năm nhìn lại mới thấy hết sự đổi thay vượt bậc với những thành tựu tự hào, sự vươn lên mạnh mẽ với những kết quả toàn diện và nổi bật. Từng bước xây dựng và hình thành một Quảng Trị đang đổi mới và phát triển.
Nền kinh tế liên tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đạt 7,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Quy mô nền kinh tế tăng 188 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng, tăng gấp 7,6 lần; tổng thu ngân sách địa phương tăng 284 lần so với năm 1989.
Sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp phát triển khá toàn diện. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả toàn diện và thiết thực.
Xây dựng nền công nghiệp, phát triển năng lượng
Hiện đã có ngày càng nhiều những công trình, dự án về công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến được triển khai, đem lại cho quê hương một diện mạo mới, góp phần đưa chỉ số phát triển công nghiệp tăng bình quân 14% năm, giá trị sản xuất tăng hơn 40 lần.
Đến nay, đã hình thành và đưa vào hoạt động 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, 7.770 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, có nhiều cơ sở quy mô khá lớn, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.
Công nghiệp năng lượng đã hiện hữu trên vùng đất đầy nắng, gió và đang vươn lên trở thành Trung tâm năng lượng miền Trung.
Sau 30 năm nhìn lại, thương mại - dịch vụ đã vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn cho ngân sách. Du lịch có bước phát triển mạnh mẽ, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Nhiều di tích lịch sử cách mạng và danh thắng được trùng tu, tôn tạo, khôi phục và giữ gìn, khai thác phục vụ du lịch. Những địa danh Cồn Tiên, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương-sông Bến Hải, Thành Cổ, địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ của một thời hoa lửa, nay là điểm đến của du lịch hòa bình.
Cơ sở hạ tầng du lịch đang được đầu tư. Sản phẩm du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”; du lịch tâm linh; du lịch biển, đảo... đang phát huy lợi thế, bước đầu kết nối có hiệu quả các tour du lịch trên hành lang kinh tế Đông - Tây.
Sau 30 năm, những giấc mơ về cầu, đường, trường, trạm đã trở thành hiện thực. Đôi bờ của những dòng sông được kết nối bằng những chiếc cầu ở Cửa Tùng, Cửa Việt, dòng Thạch Hãn, Hiếu Giang, đã xóa đi sự chia cắt để nối lại những bờ vui; nâng cấp Đường 9 anh hùng trở thành con đường xuyên Á, Quốc lộ 15D, cao tốc Cam Lộ- Túy Loan, trục đường Khu kinh tế Đông Nam đã mở ra cánh cửa tương lai, thực hiện chức năng đi trước, mở đường cho định hướng phát triển.
Hệ thống hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, công trình phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ được đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn.
Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ với nhiều chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Chất lượng giáo dục đại trà duy trì ổn định và từng bước nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi.
Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được thường xuyên chăm lo, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và đối tượng chính sách xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đánh giá, qua 30 năm xây dựng và phát triển, những thành tựu đạt được là hết sức quan trọng, là nền tảng, sức mạnh và động lực để thúc đẩy tỉnh nhà bứt phá vươn lên, hòa mình vào sự phát triển chung của cả nước.
Theo người đứng đầu tỉnh Quảng Trị, chặng đường phía trước đang mở ra cho Quảng Trị nhiều thời cơ, thuận lợi mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với niềm tin, khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị nguyện khắc phục khó khăn, hạn chế, để nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa.
Tạo sức bật để vươn lên, chú trọng thu hút đầu tư
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ rõ: Thời điểm tỉnh Quảng Trị được tái lập cũng là lúc cả nước mới bước vào công cuộc đổi mới với nhiều khó khăn, quê hương Quảng Trị đi lên từ điểm xuất phát thấp, hậu quả chiến tranh nặng nề; thiên tai thường xuyên tàn phá; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp; công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhỏ lẻ, manh mún; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thô sơ, lạc hậu từ đô thị cho đến nông thôn; đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn.
Song, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tạo sức bật mạnh mẽ và thu được những kết quả đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt biểu dương những kết quả, thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị anh hùng đạt được trong thời gian vừa qua.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, Quảng Trị cần tiếp tục đổi mới tư duy, tập trung coi trọng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phát triển công nghiệp, dịch vụ, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp sạch. Phát huy tiềm năng, lợi thế mà Quảng Trị có thế mạnh và phù hợp với xu thế phát triển như công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng...
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Chú trọng đầu tư hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý, khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông; nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, nhất là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Trên cơ sở khai thác các yếu tố lợi thế về Hành lang kinh tế Đông - Tây để hình thành khu kinh tế chung Việt Nam - Lào, đẩy mạnh đầu tư, khai thác có hiệu quả cửa khẩu quốc tế La Lay nối liền cảng Mỹ Thủy, thúc đẩy Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị phát triển.
Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt quan tâm các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào nghèo, người dân tộc thiểu số. Tập trung triển khai quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh và hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong 30 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương Hồ Chí Minh. Dịp này, tỉnh vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Đăng Đức
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn