Tham dự lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các vị khách quốc tế và đông đảo nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tới dự.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Đinh Văn Thu – đã ôn lại chiều dài lịch sử hơn năm trăm năm của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với những đổi thay về địa giới qua các thời kỳ, nhưng về cơ bản vẫn là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương cho đến ngày nay.
Quảng Nam với vai trò phên giậu, là điểm trung chuyển cho hành trình mở mang bờ cõi, đồng thời là vùng đất phát triển trù phú, hội tụ và mở cửa giao thương về kinh tế, văn hóa với nhiều nước từ cảng thị Hội An.
“Người Quảng Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn khát vọng độc lập, tự do, quyết không chịu làm nô lệ. Nhiều tấm gương điển hình như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Chí Công đã làm rạng danh quê hương, đất nước”, ông Đinh Văn Thu phát biểu.
Sau 42 năm giải phóng và 20 năm ngày tái lập tỉnh, kinh tế Quảng Nam tăng hơn 30 lần, trong đó, công nghiệp - dịch vụ chiếm hơn 88% trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 160 lần so với năm đầu tái lập. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 53 triệu đồng, gấp 28 lần so với thời điểm chia tách tỉnh, vượt mức bình quân cả nước.
Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương, đến nay thu ngân sách đã đạt trên 20 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 170 lần so năm đầu tái lập. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm tới. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo…
Ghi nhận những thành tích đạt được trong 20 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010 và nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam tiếp tục vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động trở lại mái nhà xưa, cùng Đảng bộ, chính quyền, đồng bào, đồng chí hồi tưởng về những ngày tháng 3 lịch sử khi quê hương với bao thành tích lẫy lừng của chúng ta đã hoàn toàn giải phóng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ lòng thành kính, tri ân về những đóng góp hy sinh to lớn của biết bao anh hùng liệt sỹ, đồng chí, đồng bào đã ngã xuống vì đất Quảng, vì độc lập tự do, thống nhất và toàn vẹn đất nước.
Thủ tướng nhắc lại những khó khăn sau khi Quảng Nam – Đà Nẵng được giải phóng và những ngày tái lập tỉnh. “Chúng ta vô cùng tự hào sau 20 năm đã đạt được những thành quả phát triển vượt bậc, trong khi vẫn luôn gìn giữ, phát huy các giá trị của địa phương và di sản truyền thừa quý báu từng làm nên một xứ Đàng trong phồn vinh trên bến, dưới thuyền, là nơi đất lành chim đậu; một xã hội có sức thu hút, dung nạp không gian văn hóa khắp 4 phương”, Thủ tướng phát biểu.
Nhân sự kiện này, Thủ tướng điểm lại một số thành tựu 20 năm qua của Quảng Nam. GDP bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng, cao hơn mức trung bình của cả nước. Thu ngân sách năm 2016 gần 21.000 tỷ đồng, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Quảng Nam là 1 trong 16 địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương.
Đặc biệt trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Quảng Nam đã luôn phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, nêu cao truyền thống yêu nước, khí tiết cách mạng của quê hương trung dũng, kiên cường. Cho đến hôm nay, Quảng Nam vẫn luôn là một trong những địa phương có tính hình mẫu về ý Đảng, lòng dân trong mọi quyết sách.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế của tỉnh. Trong đó, ngành du lịch có nhiều lợi thế nhưng đóng góp chưa tương xứng vào thu ngân sách. Có tiềm năng to lớn về nông nghiệp hữu cơ, lâm nghiệp và dược liệu với những giá trị độc đáo nhưng hiệu quả xúc tiến thương mại và đầu tư còn thấp. Miền núi và khu vực phía Tây tỉnh Quảng Nam, đời sống nhân dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số đã được cải thiện một bước nhưng vẫn còn bấp bênh.
Thủ tướng nhắc nhở tỉnh cần luôn đề cao nguyên tắc hài hòa, bảo đảm mọi người dân dù là người Kinh hay Xêđăng, Cơ tu hay M’Nông, Giẻ triêng… phải được cung cấp nguồn lực, chia sẻ cơ hội và thừa hưởng những thành quả tiến bộ chung. Đặc biệt tỉnh phải luôn luôn quan tâm, tiếp tục chăm lo sâu sắc hơn không những đời sống vật chất mà cả tinh thần đối với các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công và các đối tượng chính sách, người già, người nghèo.
Thủ tướng cho rằng hiếm có vùng đất nào, trên cùng một địa phương với hơn 10 ngàn km2 mà có đến hai Di sản Văn hóa thế giới độc đáo, huyền bí như Hội An, thánh địa Mỹ Sơn và hiếm nơi đâu có mật độ dày đặc các vịnh, biển, cù lao, khu dự trữ sinh quyển, cao nguyên tươi xanh, di sản văn hóa tâm linh tầm cỡ thế giới như chuỗi ngọc trai dọc tuyến hành lang ven biển miền Trung cùng với nóc nhà Tây Nguyên. Do đó, sự liên kết cùng với hoạch định chiến lược phát triển là tất yếu.
Thủ tướng đã chia sẻ một tầm nhìn đối với Quảng Nam 20 năm đến. Đó là Quảng Nam cần phải trở thành một tỉnh giàu có toàn diện của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước dựa trên nền tảng cạnh tranh về năng suất, tính sáng tạo, tính liên kết trong tư duy sản phẩm, cùng với việc giữ gìn, bảo tồn không gian sống và những giá trị di sản đã làm nên huyền thoại một trong những trung tâm giao thương phồn thịnh nhất Châu Á những thế kỷ trước.
“Với lịch sử hào hùng của vùng đất đi lên bằng ý chí, tính can trường và tinh thần ham học hỏi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta có một niềm tin vững chắc về một tương lai xứ Quảng ngày càng giàu đẹp và toàn diện hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Công Bính
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn