Phó Thủ tướng “rà” năng lực các tập đoàn lớn nhất nước

Thứ năm - 13/04/2017 02:25
Với tập đoàn Dầu khí, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu nỗ lực nâng sản lượng khai thác thêm 1 triệu tấn dầu. Với tập đoàn Dệt may, Phó Thủ tướng “truy” việc tốc độ tăng trưởng sụt giảm. Với Hiệp hội ô tô, Phó Thủ tướng đòi hỏi kịch bản cạnh tranh với xe nhập khẩu…

Chiều 12/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với các Bộ, Ngành, Hiệp hội, tập đoàn lớn của nền kinh tế để rà soát lại mục tiêu, nhiệm vụ, nỗ lực ở mức cao nhất để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Phó Thủ tướng “rà” năng lực các tập đoàn lớn nhất nước
Lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và các tập đoàn, hiệp hội tại cuộc họp.

Tổng thống Trump khiến ngành dệt may, da giày “khóc ròng”

Theo số liệu thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, ngành công nghiệp chỉ tăng 4,1 %, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Đặc biệt, ngành khai khoáng sụt giảm mạnh với mức giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, quý I/2017, khai thác dầu thô trong nước đạt 3,44 triệu tấn, giảm 14,8% so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên nếu so với chỉ tiêu năm 2017, con số này đã bằng 28% kế hoạch cả năm, vượt khoảng 5% so với kế hoạch khai thác của PVN. Kế hoạch khai thác cả năm 2017 là 12,28 triệu tấn, giảm 19,2% so với thực hiện năm 2016.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, tỷ lệ đóng góp cho GDP của dầu khí ngày càng giảm đi. Năm 2016, nếu tính theo thời giá năm 2010, nguồn thu từ dầu chiếm xấp xỉ 4% GDP nhưng thực tế, giá dầu giảm xuống mức dưới 50 USD/thùng thì tỷ lệ đóng góp chỉ khoảng 2%.

Tuy vậy, việc giảm lượng dầu khí khiến các ngành sản xuất khác phải bù đắp lại mà tính ra giá trị tuyệt đối thì rất lớn, là một áp lực không nhỏ cho nền kinh tế. Tính trung bình, cứ mỗi triệu tấn dầu cắt giảm khai thác sẽ làm giảm 0,25% tỷ trọng GDP. Vì vậy, Phó Thủ tướng giao mục tiêu cho PVN, dù kế hoạch đặt ra cho năm 2017 chỉ là 12,28 triệu tấn dầu thì tập đoàn vẫn phải cố gắng đạt mức trên 13 triệu tấn.

Với những khó khăn đặt ra cho nhiều sản phẩm khai khoáng khác như than, Phó Thủ tướng yêu cầu tập đoàn Than – Khoáng sản “bù” bằng các sản phẩm có hàm lượng chế biến cao khác như alumin, đồng tấm, kẽm thỏi… để đảm bảo mức tăng trưởng trong lĩnh vực của mình.

Với những thách thức của ngành công nghiệp khai khoáng, lãnh đạo Chính phủ cũng đặt mục tiêu cao cho ngành chế biến, chế tạo để tạo sức bật cho tăng trưởng chung.

Chỉ định lãnh đạo tập đoàn Dệt may, Hiệp hội Da giày báo cáo cụ thể về tình hình hoạt động, kế hoạch đề ra của năm 2017, 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu câu hỏi, những chính sách, định hướng mới của Tổng thống Mỹ Donal Trump tác động gì với khu vực này?

Tổng Giám đốc tập đoàn Dệt may kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Lê Tiến Trường cho biết, diễn biến trên chính trường Mỹ khiến cho tăng trưởng ngành dệt may sụt giảm mạnh trong nửa cuối năm 2016 vừa qua. Quý I năm 2017, đà tăng trưởng được vực lại mức 12% nhưng vẫn là thấp so với dự kiến 15% nếu TPP vẫn được thúc đẩy.

Ông Trường nêu dự báo, ở kịch bản khả thi, tăng trưởng của ngành dệt may năm nay sẽ đạt hơn 10%, tương đương doanh thu cả năm đạt 31,1 tỷ USD còn ở kịch bản cao sẽ là mức 12%, tương đương 35 tỷ USD.

Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ, để đạt được chỉ tiêu đó, chi phí nhập nguyên vật liệu từ bên ngoài là bao nhiêu, ngành có khả năng kích thích được bao nhiêu ngành sản xuất phụ trợ khác, “lo” được đời sống cho bao nhiêu lao động…

Ông Trường than thách thức lớn nhất là chi phí lao động, như áp lực tăng lương tối thiểu hàng năm, bảo hiểm xã hội doanh nghiệp có sử dụng lao động phải đóng.

Đại diện Hiệp hội Da giày, ông Diệp Thành Kiệt – Phó Chủ tịch, cũng thông tin, tốc độ tăng trưởng của ngành năm 2016 chỉ đạt 8,8%, thấp nhất trong 10 năm qua. Việc TPP “đứt gánh” cũng ảnh hưởng nặng nề với lĩnh vực sản xuất này. Dự báo tốc độ tăng trưởng năm nay và cả năm sau của ngành cũng khá dè dặt, chỉ ở mức 8%/năm.

Phó Thủ tướng “rà” năng lực các tập đoàn lớn nhất nước - Ảnh minh hoạ 2
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Bảo vệ sản xuất trong nước mục tiêu cuối cùng cũng là bảo vệ người tiêu dùng".

Với đại diện của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA)– ông Ninh Hữu Chấn, Thư ký hiệp hội, Phó Thủ tướng hỏi về kịch bản chuẩn bị cho việc cạnh tranh khi các dòng thuế áp cho ô tô nhập khẩu sẽ giảm dần, mốc gần nhất là năm 2018, thuế với xe nhập từ các nước ASEAN sẽ về 0%. Làm sao để ngành vẫn phát triển, tăng trưởng và giữ được thị trường cũng là câu hỏi ông Dũng đặt ra với đại diện của VAMA?

“Năm 2018 sẽ là một thách thức lớn với sản xuất ô tô trong nước. Chúng ta không nên chỉ nhìn vào bề nổi cho rằng thuế giảm, giá xe nhập khẩu giảm là người tiêu dùng được lợi. Vấn đề sâu hơn phải giải quyết là làm sao để nhiều người dân có tiền để mua xe. Để làm được vậy thì phải thúc đẩy được sản xuất trong nước, nâng được mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế để bảo vệ việc làm, để mỗi người lao động đều có thu nhập tốt để mua được xe, được nhà. Bảo vệ sản xuất trong nước, theo đó, mục tiêu cuối cùng cũng là bảo vệ người tiêu dùng. Muốn vậy, một chiếc ô tô giá 200 triệu đồng thì phải đạt được cơ cấu 100 triệu đồng từ các phụ kiện sản xuất trong nước. Đó là phần đóng góp quý giá để tạo việc làm mới, đảm bảo thu nhập cho người dân…” – Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Mục tiêu khó nhưng không bất khả thi

Chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp, báo cáo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%, lạm phát ở mức 4% của cả nền kinh tế là rất khó nhưng không phải là không thể thực hiện, miễn là từng ngành, từng lĩnh vực đều nỗ lực hết sức và có các giải pháp phù hợp để khắc phục những khó khăn, hạn chế.

Bộ trưởng cho biết, mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2017 là từ 2,5-2,8%. Tăng trưởng quý I mới chỉ đạt 2,05%, là thấp nhưng cũng là nỗ lực rất lớn, nếu so với mức tăng trưởng âm của cùng kỳ năm 2016.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, từ nay đến cuối năm, nếu không có bất thường về thiên tai, ngành nông nghiệp sẽ tăng trưởng tốt. Cụ thể, căn cứ tình hình thực tế, dựa trên các nghiên cứu, đánh giá thị trường của các sản phẩm chủ lực, tình hình sản xuất của các tỉnh, ngành nông nghiệp đã tiến hành rà soát lại tất cả các lĩnh vực, từ đó đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng, ở mức thấp là 2,55%, mức cao là 3,05%.

Phó Thủ tướng “rà” năng lực các tập đoàn lớn nhất nước - Ảnh minh hoạ 3
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tái cấu trúc ngành, sản phẩm để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn chế thấp nhất hậu quả của thiên tai,với mục tiêu đạt phương án tăng trưởng cao nhất như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu các ngành, các cấp, doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực cần tập trung rà soát lại các chỉ tiêu kế hoạch, tìm ra nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

“Cuộc họp hôm nay là nhằm tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các ngành, các lĩnh vực kinh tế phát triển cao hơn, đạt được mục tiêu tăng trưởng chung 6,7% vì dư địa của các ngành vẫn còn lớn, hoàn toàn có thể “đẩy” lên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu này, theo Phó Thủ tướng, cần thực hiện đồng bộ hàng loạt các giải pháp, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ KH-ĐT, Tổng cục Thống kê chủ động làm việc với các bộ, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp lớn để xác định từng chỉ tiêu cụ thể, từ đó đề ra kế hoạch thực hiện, đảm bảo thực hiện tăng trưởng từng ngành, từng lĩnh vực, sản phẩm.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây