Phải đóng “phí chia tay” 3-5 USD/người mỗi khi xuất cảnh?

Thứ tư - 12/06/2019 22:50
(Dân trí) - “Tôi suy nghĩ Việt Nam cũng giống một số nước là khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền gọi là “phí chia tay”. Phí này khoảng 3-5 đô la/người khi xuất cảnh”, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề nghị. >> >>

Phần mềm Nhật Cường làm cho Hà Nội liên thông cấp bộ được không?

Ngày 12/6, phát biểu tại Quốc hội về Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) đề nghị bổ sung quy định để xử lý hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cho phép làm giả giấy tờ, cho phép xuất cảnh, nhập cảnh trái quy định của pháp luật.

Bởi theo đại biểu đoàn TP Hà Nội trong luật hiện nay chỉ quy định chủ yếu với đối tượng là công dân có nhu cầu xuất, nhập cảnh và những cán bộ, công chức thừa hành mà chưa có đối tượng là những cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp.

Phải đóng “phí chia tay” 3-5 USD/người mỗi khi xuất cảnh?
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh

“Đó là những người có quyền chỉ đạo cấp dưới và có quyền quyết định việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân. Những người này một khi đã chỉ đạo thì cấp dưới phải thi hành. Như chúng ta thấy, có một số vụ án xuất cảnh trái phép bị truy nã quốc tế vừa qua”, đại biểu Trần Quốc Khánh nói.

Tại hội trường, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng đưa ra ví dụ cụ thể trường hợp của Vũ "nhôm" có vài ba hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ cùng thời điểm. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu sắp xếp lại các nhóm đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ sao cho ngắn gọn, khoa học và tránh trùng lặp với các chức danh chỉ thuộc về một người.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh băn khoăn nếu tất cả các hộ chiếu đều được gắn chip điện tử thì có lợi hại gì không? Theo đại biểu Khánh, chỉ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao đảm bảo cải cách hành chính trong xuất nhập cảnh là chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm, tạo thuận lợi, kết nối chia sẻ thông tin với các bộ, ngành khác vừa qua đã và đang triển khai chính phủ điện tử hay dịch vụ công trực tuyến như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.

“Nhân đây, tôi đề nghị Bộ Công an sớm xem xét kết luận việc cơ sở dữ liệu của Hà Nội đã phối hợp với Nhật Cường thời gian qua đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến có kết nối liên thông được không. Điều này để tránh việc công sức của nhà nước và nhân dân trong thời gian vừa qua đã bỏ ra, nếu chúng ta không sử dụng coi như bỏ đi hết”, đại biểu Khánh nói.

“Phí chia tay” để bảo hộ công dân Việt Nam?

Cho ý kiến về việc nghĩa vụ của công dân Việt Nam ra nước ngoài, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (TP Hà Nội) đề xuất học tập kinh nghiệm thu phí xuất nhập cảnh như một số quốc gia trên thế giới đã thực hiện.

Theo ông Hưng, một số nước đã áp dụng chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất, nhập cảnh của công dân, có nước không khuyến khích công dân xuất cảnh thì người ta áp dụng thuế hoặc phí.

Phải đóng “phí chia tay” 3-5 USD/người mỗi khi xuất cảnh? - Ảnh minh hoạ 2
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho ý kiến tại hội trường

Đại biểu đoàn Hà Nội nêu dẫn chứng vào năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành đạo luật áp dụng từ tháng 1/2019, tức là mỗi công dân Nhật Bản khi ra nước ngoài thì phải đóng một phí gọi là “phí chia tay” hay gọi là phí du lịch là 1.000 yên/người (khoảng 9,3 đô la).

Loại phí trên được sử dụng để thực hiện một số dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản cũng như Chính phủ Nhật Bản dự kiến hàng năm sẽ thu được 400 triệu đô la để hoàn thiện việc xuất, nhập cảnh cho công dân được tốt hơn. Đồng thời đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông du lịch ở một số vùng còn khó khăn và thực hiện một số chính sách khác.

“Tôi suy nghĩ Việt Nam cũng giống một số nước là khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền gọi là “phí chia tay”. Phí này khoảng 3-5 đô la/người khi xuất cảnh, ta dùng số tiền đó trích một phần cho các cơ quan ngoại giao để bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ công dân khi công dân Việt Nam ra nước ngoài gặp khó khăn”, ông Hưng đề nghị.

Theo ông số tiền này cũng có thể dùng một phần để cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như những việc khác để phục vụ công tác xuất nhập cảnh, đầu tư xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh của đất nước…

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm mong các đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức và nhân dân tiếp tục cho ý kiến về dự án luật. Đại tướng Tô Lâm cho biết, ban soạn thảo sẽ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.

Quang Phong

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây