“Bó tay” việc xử hình sự vụ chất cấm Salbutamol trôi nổi
Đoàn kiểm tra ghi nhận nhiều nỗ lực của Bộ Y tế trong việc xây dựng văn bản, thể chế, trong công tác chuyên môn (hoạt động khám chữa bệnh, chấn chỉnh y đức, cải thiện cơ sở vật chất phục vụ người bệnh với chủ trường không để 2 bệnh nhân phải nằm chung một giường bệnh…) nhưng vẫn còn những tồn tại “cố hữu” ngành y tế cần khắc phục.
Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, có 8 vấn đề Thủ tướng yêu cầu truyền đạt với lãnh đạo Bộ Y tế tại cuộc kiểm tra.
Trước hết, đó là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, dù người dân rất mong đợi, Chính phủ đốc thúc nhiều nhưng kết quả đạt được chưa đáng kể. Dư luận vẫn bức xúc với việc sử dụng chất cấm, chất bảo quản trong chế biến thực phẩm.
Tổ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập trách nhiệm của Cục Quản lý dược – cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép nhập khẩu Salbutamol đã sở hở để 6/9 tấn chất này nhập về bị lưu hành trôi nổi trên thị trường, bị sử dụng cho mục đích chăn nuôi nhằm tạo nạc cho gia súc. Vụ nước giải khát URC nhiễm chì khiến dư luận bức xúc vừa qua cũng là một việc Thủ tướng yêu cầu đoàn kiểm tra nhắc nhở Bộ Y tế.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị của Bộ báo cáo về nội dung Thủ tướng truyền đạt.
Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong giải thích thêm việc viện kiểm nghiệm cho DN nhập 4000 tấn chì, làm phát sinh hiện tượng nước giải khát URC nhiễm chì. Theo ông Phong, “lỗi” trong sự việc này nằm ở phía doanh nghiệp (DN) vì lô sản phẩm mang đi kiểm nghiệm thì đảm bảo nhưng khi đưa vào sản xuất thì lô nước C2, Rồng đỏ lại để vượt quá hàm lượng. Bộ đã tiến hành phạt gần 7 tỷ đồng – mức phạt lớn nhất từ trước đến nay.
Mở rộng sang chuyện nước mắm pha bằng nước và hoá chất, ông Phong khẳng định, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đều như vậy. Tất cả các sản phẩm nước mắm được công bố tức là có sử dụng chất phụ gia đúng danh mục, đảm bảo độ tinh khiết, hàm lượng cho phép thì đều an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế cũng chủ trì lập đoàn kiểm tra chuyên ngành, cùng Bộ Nông nghiệp, Công thương, hiện đang đi khảo sát tại Hà Nội, TPHCM, Phú Quốc (kiểm tra cả khâu nguyên liệu, sản xuất, đóng gói, ghi nhãn sản phẩm), sẽ báo cáo trước 22/10.
Việc 3 tấn Salbutamol trôi nổi, Phó Cục trưởng Cục quản lý dược giải thích thêm, sau khi có thông tin từ Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra toàn diện các công ty và yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động nhập chất cấm này. Có 3 đơn vị bị phát hiện bán Salbutamol không đúng quy trình, Bộ Y tế cũng chuyển hồ sơ sang CQĐT Bộ Công an nhưng vì pháp luật hình sự chưa quy định về tội danh, hành vi này nên phía Bộ Công an trả lại hồ sơ cho Bộ Y tế vì chưa đủ căn cứ điều tra.
Đại diện Cục quản lý dược thông tin, trong số 3 tấn Salbutamol đó, một DN ở TPHCM quản lý 2,5 tấn, đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Y tế đã tiến hành quy trình để tịch thu, tiêu huỷ số hoá chất cấm đó.
“Theo quy định, chỉ cần DN đủ điều kiện kinh doanh (kho bãi), giấy phép kinh doanh chế biến sản xuất thuốc thì được phép nhập khẩu Salbutamol nên rất khó quản lý. Cũng do yêu cầu tổ chức hải quan 1 cửa, nếu DN thực hiện đầy đủ việc kê khai mua bán, công bố trên mạng thì có thể tự ký hợp đồng với nước ngoài, nếu xảy ra việc gì ở trong nước sau đó cũng rất khó kiểm soát, xử lý” – đại diện Cục quản lý dược phân trần. Ông này cũng cho biết, tới đây, luật sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự 2015 được Quốc hội xem xét thông qua thì có thể xử lý hành vi vi phạm này với mức 1-20 năm tù.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế quan tâm việc đoàn kết nội bộ
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng trao đổi tiếp những nội dung khác. Vấn đề quá tải bệnh viện, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề cập, theo chủ trương của Chính phủ về việc chấm dứt cảnh nằm ghép trong năm 2015, Bộ Y tế đã có những nỗ lực, triển khai cho các bệnh viện ký cam kết thực hiện. Trong đó, 38 bệnh viện tuyến TƯ đã cam kết chấm dứt cảnh nằm ghép trong năm 2015.
Tuy nhiên, do sức ép quá tải lớn, “tiêu chí” thực hiện sau đó đã phải hạ xuống mức “không để bệnh nhân nằm ghép sau 24-48h”. Vậy nhưng thực tế, theo phản ánh, những bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Viện K… hiện tượng nằm ghép vẫn phổ biến và không chỉ dừng ở mức 2 bệnh nhân ghép chung 1 giường.
Vấn đề an ninh, an toàn tại các bệnh viện cũng là một điểm Thủ tướng lưu ý với Tổ trưởng Tổ công tác để trao đổi trong cuộc làm việc với Bộ Y tế. Dẫn lại vụ việc xe cấp cứu đón một cháu bé hấp hối về quê bị ngăn cản tại viện Nhi khiến dư luận nghi ngờ về việc lãnh đạo bệnh viện “bảo kê” cho hoạt động điều tiết xe cấp cứu ra vào viện. Vụ mất an toàn xảy ra tại Bệnh viện Việt – Tiệp (Hải Phòng), Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ cũng được nhắc đến.
Tổ trưởng tổ công tác cũng đề cập, gần đây báo chí nêu vấn đề công tác cán bộ của ngành y tế như trường hơp của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ bị tố đi hầu đồng. Có đơn thư phản ánh lên Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ của Bộ Y tế; đề nghị Bộ quan tâm đến giáo dục chính trị tư tưởng, đoàn kết trong nội bộ; nếu có việc này thì nên xem xét, rà soát, chấn chỉnh, có kết luận công khai sớm.
Ngoài ra, vấn đề triển khai trung tâm đấu thầu thuốc tập trung, tiến độ giải ngân vốn thấp (như báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, có 20.000 tỷ đồng phân cho ngành y tế để cải thiện các bệnh viện nhưng không giải ngân được, mới chỉ 1 bệnh viện ở TPHCM nhận được tiền triển khai)… cũng là các nội dung được Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt, theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2016, Bộ Y tế nhận được tổng cộng 73 văn bản giao nhiệm vụ với 95 nhiệm vụ được giao. Trong đó, 18 nhiệm vụ đã hoàn thành (trong đó có 10 nhiệm vụ đúng hạn, 8 nhiệm vụ quá hạn), 72 nhiệm vụ đang trong quá trình thực hiện và có 5 nhiệm vụ đã quá hạn mà chưa hoàn thành.
Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng dẫn dữ liệu theo dõi từ Văn phòng Chính phủ cho thấy, có 7 nhiệm vụ đã quá hạn mà Bộ Y tế chưa báo cáo, giải quyết.
P.Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn