Ninh Bình: Xã nghèo vượt khó đạt chuẩn nông thôn mới

Chủ nhật - 04/02/2018 18:20
Là một xã còn nhiều khó khăn, toàn xã có 10 xóm, nằm trong vùng xả lũ của huyện Gia Viễn, thường xuyên thiên tai ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng với ý chí và sự khát khao của người dân trong thời kì đổi mới, xã nghèo này vừa chính thức đạt chuẩn nông thôn mới 2017.

Ngày 4/2, UBND tỉnh Ninh Bình đã trao chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Gia Phong, huyện Gia Viễn. Đây là xã thứ 13 của huyện Gia Viễn đạt chuẩn nông thôn mới.

Ninh Bình: Xã nghèo vượt khó đạt chuẩn nông thôn mới
Gia Phong là xã nằm trong vùng phân lũ chậm lũ gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã vươn lên thành xã đạt chuẩn nông thôn mới 2017. (Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trao chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho chính quyền xã Gia Phong).

Tại buổi lễ công bố, ông Đinh Huy Lựa – Chủ tịch UBND xã Gia Phong cho biết, Gia Phong là xã nằm trong vùng phân lũ chậm lũ, phía Nam sông Hoàng Long huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, tổng diện tích đất tự nhiên 555.27 ha, có 1170 hộ, 4131 khẩu, trong đó: có 1100 khẩu theo đạo thiên chúa (chiếm 26.3%).

Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã mới đạt được 04 tiêu chí; gồm: Tiêu chí số 4: Điện, số 13: Hình thức tổ chức sản xuất, số 18: hệ thống tổ chức chính trị xã hội, số 19: An ninh trật tự xã hội.

Sau 7 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của huyện ủy, HĐND, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện, Đảng bộ và nhân dân xã Gia Phong đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành thêm 15 tiêu chí; đến nay đã đạt 20/20 tiêu chí, là xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2017.

Ninh Bình: Xã nghèo vượt khó đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh minh hoạ 2
Chủ tịch UBND xã Gia Phong Đinh Huy Lựa.

“Kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế năm 2016 đối với nông nghiệp, thủy sản chiếm 80%; công nghiệp-xây dựng và dịch vụ thương mại chiếm 20%; giá trị sản xuất 1 ha đất canh tác và mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt 90 triệu đồng/ha. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là 1,39%” – ông Lựa cho hay.

Cũng theo ông Lựa, trong 7 năm thực hiện UBND xã đã đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học.

Địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ để đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt cho người dân; Động viên, khuyến khích người dân tích cực tham gia các hình thức bảo hiểm y tế.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Hoàng Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND Huyện Gia Viễn cho biết: Sau 6 năm triển khai thì chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp mang tính dân chủ, tự giác theo phương châm “dân quyết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”. Nhiều hộ dân đã hiến đất làm đường, hiến công, hiến của, chung sức xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế xã hội cho nông thôn được tập trung đầu tư, có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và được nhân rộng, bộ mặt nông thôn được thay đổi rõ rệt, đời sống người dân càng được nâng lên …

Ninh Bình: Xã nghèo vượt khó đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh minh hoạ 3
Bộ mặt xã nghèo Gia Phong trong ngày đón nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ninh Bình: Xã nghèo vượt khó đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh minh hoạ 4

Kết thúc năm 2017, bình quân số tiêu chí trong toàn huyện Gia Viễn là 17,1 tiêu chí/ một xã, đã có 13/20 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chia sẻ kinh nghiệp về việc một xã nghèo những lại sớm vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới, ông Đinh Huy Lựa bày tỏ: Trước tiên cần có sự quan tâm tạo điều kiện và đầu tư của tỉnh, huyện cho các công trình, đầu tư lồng ghép, có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao; Có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ban ngành đoàn thể chính trị xã hội, của các Ban phát triển thôn và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.

Bên cạnh đó, làm tốt khâu tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo nên sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có chính sách khuyến khích kích cầu nhằm huy động được tối đa các nguồn lực trong cộng đồng dân cư.

Song hành với đó là cần xây dựng đề án sát, đúng, phù hợp với điều kiện của địa phương. Mặt khác đội ngũ cán bộ từ xã đến cơ sở nhiệt tình, trách nhiệm, năng động với công việc. Đi sâu, đi sát cơ sở, kịp thời biểu dương, khen thưởng những việc làm tốt, cách làm hay ở cơ sở để động viên kịp thời.

Tác giả: Nguyễn Hùng

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây