Thủ tướng Phan Văn Khải khi thăm Hoa Kỳ
Trao đổi cùng PV , luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho biết ông đặc biệt ấn tượng đối với những quyết sách mang tính bước ngoặc của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi ban hành luật Doanh nghiệp 1999.
Bởi trước khi luật Doanh nghiệp 1999 ra đời, luật quy định người dân được quyền kinh doanh những gì nhà nước “cho phép”, doanh nghiệp vướng khá nhiều rào cản khi phải xin quá nhiều giấy phép con.
Luật sư Hậu kể: “Có những giấy phép nó rất kỳ cục như: giấy phép nhặt giấy vụn, giấy phép vẽ truyền thần, giấy phép photocopy…”.
Và kể cả khi luật Doanh nghiệp ra đời, người dân muốn kinh doanh vẫn bị “hành xác” vì luật gặp trở lực rất lớn khi đưa vào cuộc sống.
Ông Hậu nhớ lại: “Tôi nhớ thời điểm luật ban hành, một số các bộ ngành, UBND một số tỉnh thi hành rất chậm trễ, cũng có ý là không thực hiện bởi vì theo luật mới, một số quyền lực của các đơn vị này bị hạn chế, cắt bỏ”.
Những ngày đầu thực hiện luật Doanh nghiệp 1999 do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ban hành
Năm 1999, khi luật Doanh nghiệp vừa ra đời, ông Hậu là thành viên trong đoàn tuyên truyền luật Doanh nghiệp 1999 cũng vấp phải 1 loạt thủ tục “hành xác” khi đi xin giấy phép photocopy để in tài liệu. Để có được quyền photocopy, ông đã mất 1 tháng trời chạy khắp nơi để xin được 3 tờ giấy phép photocopy của UBND quận Bình Thạnh, Công an quận Bình Thạnh và Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM.
Nhưng với tinh thần quyết liệt đưa luật vào áp dụng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành lập một tổ rà soát, bãi bỏ được 286 giấy phép con, giảm phiền hà cho người dân rất nhiều trong quá trình kinh doanh. Ông nói: “Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đưa ra và xác lập cơ chế là người dân được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”.
Với tinh thần trên, luật Doanh nghiệp đã dần đi vào cuộc sống, loại bỏ hàng loạt giấy phép con và sự can thiệp không cần thiết của nhà nước vào hoạt động kinh doanh của người dân.
Bản thân ông Hậu cũng từng tham gia hỗ trợ 1 doanh nghiệp địa phương dám đứng ra kiện UBND cấp quận vì gây khó khăn trong việc cấp phép kinh doanh, đòi hỏi giấy phép “con”. Nhờ có luật Doanh nghiệp, ông đã giúp cho doanh nghiệp này thắng kiện, được thực hiện quyền kinh doanh “những gì pháp luật không cấm” của mình.
Theo ông Hậu, những hành động của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, từ Cương lĩnh 1991 cho đến luật Doanh nghiệp 1999, đã xác lập định chế cho người dân được tự do kinh doanh, đặt nền móng cho cải cách kinh tế, hình thành nền kinh tế thị trường sau này.
Ông Hậu nói: “Điều tôi ấn tượng nhất với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong 9 năm ông điều hành Chính phủ, từ năm 1997 – 2006, là tinh thần đổi mới. Những cải cách của ông đã giúp xác định cơ chế doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, thuyết phục cộng đồng doanh nghiệp tham gia làm kinh tế và tạo điều kiện cho họ mở rộng kinh doanh. Chính ông đã đặt nền móng cho những thế hệ tiếp theo sau này phát triển ý tưởng đó”.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Người xác lập định chế cho người dân tự do kinh doanh
TS Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) cũng chia sẻ về vị lãnh đạo mà ông từng nhiều năm hỗ trợ tư vấn chiến lược: “Ông đặt nền móng cho cuộc cải cách giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước, bộ ngành vào nền kinh tế, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, mở rộng quyền tự do cho các doanh nghiệp. Các quan điểm và di sản này đã để lại cho thế hệ lãnh đạo sau này”.
“Có thể nói, lịch sử kinh tế Việt Nam phải ghi công ông Khải như một người Thủ tướng có nhiều ý tưởng, công lao cải cách, hội nhập. Một người kế thừa, xây dựng nên nền móng kinh tế vững chắc để Việt Nam có thể hội nhập, phát triển với kinh tế khu vực và quốc tế sau này”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Tầm nhìn đi trước thời đại của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Tác giả: Phạm Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn