Chiến sĩ biên phòng trong lòng dân
Theo chân Thiếu tá, y sỹ Trần Xuân Phương, Trạm quân dân y kết hợp bản Phà Lõm, chúng tôi cùng đến thăm già làng Xồng Chông Của. Màn đêm tĩnh mịch, chỉ thấy loang loáng những vệt đèn xe máy trước mặt. Lúc này đồng hồ trên tay kim ngắn vừa chỉ sang con số 9.
Cả bản dường như đã chìm vào giấc ngủ sâu. Chúng tôi phải để xe lại đầu bản rồi đi tắt vòng lối phía sau mới vào được nhà già Chông Của, bởi trục đường chính của bản chỉ vừa mới hôm qua đây, đã được bà con dân bản đổ bê tông theo chủ trương làm nông thôn mới.
Lúc này, trong nhà già Của, đèn vẫn đang sáng, có ý chờ chúng tôi. Rót bát nước mời chúng tôi uống, già Chông Của kể, mấy ngày trước tết, ông bị sốt cao phải nằm một chỗ, không đi lại được. Biết tin già Chông Của ốm, y sỹ Phương không quản ngại đêm hôm mưa rét đã lặn lội, tận tình đến tận nhà, thăm khám và cấp thuốc cho già.
"Người dân trong bản và cả bản thân bố mỗi khi đau ốm bệnh tật đều được quân y đồn biên phòng Tam Hợp đến tận nhà khám và cấp thuốc. Bố bị ốm 2-3 ngày nằm liệt giường không dậy nổi, vì bị ho, sốt và viêm phổi. Nhờ được y sỹ Phương khám, và cấp thuốc men đầy đủ, kịp thời nên chỉ điều trị có hai hôm là đỡ hẳn rồi" - Già Của nói với sự biết ơn.
Người con của bản làng
Hơn 20 năm qua, công tác tại những bản làng giáp biên giới Việt - Lào, Thiếu tá - y sĩ Trần Xuân Phương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chứng kiến những thiếu thốn về trang thiết bị, thuốc men của trạm quân dân y Phà Lõm, anh đã dùng tiền lương của mình mua bổ sung tủ thuốc với mục đích chữa bệnh hiệu quả cho đồng bào, giữ uy tín cho quân y biên phòng.
“Tôi về đây, tôi trăn trở, đề xuất với chỉ huy đồn mở thêm tủ thuốc, phục vụ bà con dân bản đỡ đi lại đường sá xa xôi vất vả khó khăn, để bà con có thuốc chữa bệnh... Khi tôi về đây thì đổi mới hơn, dân không phải đi ra ngoài kia để chữa bệnh, chỉ trừ các mặt bệnh không đủ trong tủ thuốc của mình, ví dụ như bệnh hiểm nghèo tôi sẽ giới thiệu kịp thời để bà con đi lên tuyến trên. Còn nếu trong tầm tay thì tôi sẽ điều trị cho bà con” - Thiếu tá Phương chia sẻ.
Bám dân, bám bản, y sĩ Phương chịu khó học hỏi và sử dụng thành thạo ngôn ngữ của đồng bào Mông, phục vụ tốt cho quá trình khám bệnh và điều trị bệnh cho bà con. Anh còn tìm thêm phác đồ điều trị mới đối với các bệnh mà đồng bào thường mắc, trồng và chăm sóc vườn dược liệu quý để nâng cao chất lượng điều trị bệnh và giảm chi phí hoạt động của trạm.
Thiếu tá, y sĩ Trần Xuân Phương còn tích cực cùng với đồng đội hướng dẫn, giúp đỡ bà con cách thức làm ăn, xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, cuộc sống ở bản làng vùng biên Tam Hợp nơi đây không ngừng khởi sắc, nhiều hủ tục, tệ nạn xã hội được đẩy lùi. Bởi vậy, anh luôn được bà con yêu quý, tin tưởng, xem là người con của bản làng.
Tác giả: Hiến Chương - Nguyễn Phê
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn