Dự thảo luật mới nhất quy định 4 phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt: Phương án phục hồi; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc; Phương án phá sản.
Phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác nhận chuyển giao.
Tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác nhận chuyển giao là tổ chức tín dụng trong nước, tổ chức tín dụng nước ngoài, nhà đầu tư khác có đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ định nhận chuyển giao bắt buộc cổ phần, phần vốn góp của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.
Về nội dung này, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ cơ chế, điều kiện, tiêu chí chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cũng như chỉ định tổ chức tín dụng nhận chuyển giao, bảo đảm khách quan, bảo đảm quyền lợi của các bên, phù hợp với tinh thần Hiến pháp.
Dự thảo luật cũng quy định: “Kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chấm dứt”.
Thẩm tra nội dung này, UB Kinh tế cho rằng, việc hạn chế quyền cổ đông theo định hướng của luật là hoàn toàn phù hợp và bảo đảm tính hợp hiến, do về bản chất, tình trạng tài chính của ngân hàng đã quá yếu kém, không thể phục hồi và các cổ đông của ngân hàng không thể có giải pháp phục hồi ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng này đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có). Quy định này cũng phù hợp với thông lệ nhiều nước đã áp dụng.
Gợi ý thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh vấn đề đang có ý nghĩa cấp thiết với thực tiễn việc xử lý các ngân hàng yếu kém, tiêu biểu như vụ án tại Oceanbank đang được xét xử hiện nay, các việc chuyển nhượng phức tạp diễn ra ngay trong giai đoạn ngân hàng được đặt trong chế độ kiểm soát đặc biệt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ băn khoăn về quy định quyền của cổ đông, khi mà Hiến pháp đã quy định rõ về bảo hộ tài sản.
Nhấn mạnh lần sửa đổi này không quy định việc nhà nước mua ngân hàng 0 đồng nữa, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng giải thích, khi mà cổ đông không còn năng lực tài chính thì phải có nhà đầu tư mới tiếp quản. Điều này không trái với Hiến pháp.
“Nếu chỉ vì vài ba người làm sai mà cổ đông bị tước hết quyền tài sản thì phải xem xét cẩn thận” - Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng vẫn băn khoăn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần làm rõ bản chất pháp lý của phương án chuyển giao bắt buộc cũng như sự khác nhau giữa chuyển giao bắt buộc và mua 0 đồng.
Gói lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ phải giải trình thêm vấn đề này, không thể nói 4 phương án mà phải quy định rất cụ thể. Ông Hiển cũng nhấn mạnh, đây là vấn đề dứt khoát phải xin ý kiến Bộ Chính trị.
Cũng liên quan đến vấn đề này, quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được thiết kế trong dự thảo luật cũng chưa thuyết phục được UB Thường vụ Quốc hội.
Điều 147 dự thảo luật quy định: Cán bộ, công chức, thành viên ban kiểm soát đặc biệt, người của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện, hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được pháp luật bảo vệ, miễn trách nhiệm trong trường hợp đã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trung thực, đúng quy định pháp luật, đúng phương án được duyệt, vì lợi ích chung của hệ thống các tổ chức tín dụng, bao gồm cả trường hợp phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không đạt được mục tiêu đã được phê duyệt.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc kỹ quy định này, nhất là vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm được miễn là trách nhiệm gì, dân sự hay hình sự, hành chính.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì lập luận, đã thực hiện quyển hạn được giao trung thực khách quan, đúng quy định... thì chẳng ai truy tố anh. Theo ý ông Hiển, nên bỏ quy định “chông chênh” này vì sẽ khó thuyết phục Quốc hội.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn