Vấn đề nói trên được đưa ra tại cuộc tọa đàm “Bức tranh nông thôn sau 10 năm đổi mới”, diễn ra hôm nay (8/10), tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (NTM) cho biết, hiện cả nước có gần 51% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 91 đơn vị cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng NTM.
Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, kết quả xây dựng NTM vẫn nhiều mong manh. Một đợt mất mùa có thể làm cho cả một làng, một xã trắng tay. Thiên tai hoành hành hủy hoại cơ sở hạ tầng, thu nhập của người dân lập tức về 0, thậm chí "âm". Khi đó,, địa phương bị thiệt hại không còn đạt tiêu chí nông thôn mới nữa.
Để khắc phục khó khăn, phải gắn NTM với cơ cấu lại nông nghiệp, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu.
Ông Hoàng Trọng Thủy - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới chia sẻ, trên thực tế, đã có những cuộc điều tra, khảo sát, lắp đặt ở một số vùng trọng điểm những thiết bị về mặt kỹ thuật, dự báo cảnh báo truyền tin về các trạm.
“Các trạm dự báo ở những khu vực miền núi phía Bắc gần đây dự báo thời tiết tương đối chính xác. Rõ ràng Nhà nước đã khảo sát và làm việc này tốt” - ông Thủy nói.
Theo ông Thủy, Nhà nước đã hỗ trợ rất lớn về nguồn lực kinh tế cho giao thông, thủy lợi, xây dựng các khu trung tâm thương mại... để kết nối giữa miền núi với khu vực ở miền xuôi, giữa các bản khu vực nông thôn và thành thị, giữa nông nghiệp và công nghiệp. Sự định hướng trong quy hoạch và kiểm soát này cộng với nguồn lực, ở các tỉnh miền núi có thể thấy rõ nét hơn giữa sản xuất nông sản và kinh doanh nông sản.
“Chúng ta đã điều tra hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu về đất ở, đất sản xuất... Chính phủ và Quốc hội đang làm quyết liệt vấn đề này để các nông trường quốc doanh phải trả lại đất nếu chưa sử dụng hết và không có hiệu quả nhằm điều tiết lại cho địa phương và đồng bào dân tộc miền núi. Những khu vực điều tiết này phải thuận lợi và tạo ra giá trị cho nông sản phát triển” - ông Thủy cho hay.
Ông Thủy cho rằng, Nhà nước đã khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, chế biến, kết nối nông sản, đặc biệt là chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm nhằm khuyến khích đồng bào dân tộc có nhiều sản phẩm địa phương để tham gia vào trục nông sản của quốc gia và toàn cầu. Đây là hướng khai thác triệt để nguồn lợi nông sản của vùng nhiệt đới, phát triển thị trường nông sản hướng ra xuất khẩu…
Trên thực tế, trong xây dựng NTM có những khó khăn, cản trở khi thực hiện Chương trình NTM, trong đó bao gồm nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và người dân đối với NTM, tình trạng lạm thu, quy hoạch không đến nơi đến chốn gây lãng phí trong đầu tư xây dựng… được báo chí, truyền thông nhắc đến nhiều.
Ông Trần Văn Môn - Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương thừa nhận: “Đây là vấn đề xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của chương trình, đã được Ban chỉ đạo Trung ương cũng như ban chỉ đạo các tỉnh đã đặt ra và có giải pháp chỉ đạo quyết liệt”.
Cũng theo ông Môn, nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ nhận thức lúc đầu của cả cán bộ và người dân là nhà nước đầu tư - người dân hưởng thụ; do đó có chỉ đạo quyết liệt về chủ chương dân làm – nhà nước hỗ trợ.
“Qua các cơ quan truyền thông, các vấn đề được nắm bắt, giám sát, phản ánh kịp thời giúp ban chỉ đạo các cấp phát hiện điểm còn hạn chế ở từng địa phương. Vừa rồi, nhiều địa phương cũng đã kiên quyết thu hồi lại danh hiệu khi địa phương đó không đạt chuẩn” - Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết.
Trong 10 năm xây dựng Nông thôn mới, các địa phương đã chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng nên tình hình kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn có chuyển biến rõ nét, nhất là trong công tác tổ chức sản xuất và chất lượng đời sống, sinh hoạt của người dân ngày được cải thiện. Nhiều cơ chế đầu tư ngày càng minh bạch, các tỉnh đã phát huy được vai trò làm chủ của người dân, các nguồn lực xây dựng NTM đã được huy động và sử dụng có hiệu quả.
Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn