Chúng tôi đến thăm mẹ trong ngôi nhà nhỏ ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tường nhà treo trang trọng Bằng công nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, bằng khen 50 năm tuổi Đảng, các tấm Bằng Tổ quốc ghi công các liệt sĩ là chồng và hai người con trai lớn của mẹ.
Liệt sĩ Nguyễn Đình Trân - chồng của mẹ Tấn - đã được thành phố ghi danh bằng một tên đường ở Đà Nẵng, với một cuộc đời sống và chiến đấu vì lý tưởng cách mạng hào hùng.
Mẹ Tấn ngồi trên giường trò chuyện với khách. Sức khoẻ già yếu nên Mẹ không đi lại được nữa và giọng nói lúc rõ lúc không. Chuyện đời kể từ những năm tháng thanh xuân, chuyện chồng con, chuyện những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng, Mẹ đã lúc nhớ lúc quên. Những người con của Mẹ thay Mẹ ôn lại những câu chuyện đó.
Ông Nguyễn Đình Bình - người trai út đang sống cùng Mẹ Tấn - mở chiếc tủ lưu giữ những kỷ vật quý giá của gia đình. Trong đó, có một tài liệu đặc biệt: những dòng viết lại những ngày cuối đời của liệt sĩ Nguyễn Đình Trân - một trong những lãnh đạo của Chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam thành lập trong giai đoạn 1930 - 1945; từng giữ các chức vụ Bí thư Huyện uỷ Điện Bàn, rồi Tiên Phước từ 1947; Phó Ban Tổ chức, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam từ 1954.
Năm 1961, liệt sĩ Trân hy sinh trong ngục tù của quân thù, trước sự chứng kiến của những người đồng chí, đồng đội làm công tác tình báo. Chính những dòng viết về những ngày cuối đời của liệt sĩ Nguyễn Đình Trân của những người đồng chí, đồng đội như Đại tá tình báo quân đội Nguyễn Minh Vân là tài liệu chứng cứ để Tổ quốc ghi công người bạn đời của mẹ Tấn.
Hai người con trai lớn của mẹ Tấn cũng hy sinh vì Tổ quốc. “Anh cả tôi là Nguyễn Đình Tân đi học ở Liên Xô về vào năm 1954 đã viết đơn xin nhập ngũ bằng máu, khi nghe tin chiến trường miền Nam đang nước sôi lửa bỏng. Là cán bộ chiến sĩ của lực lượng không quân, anh Tân đã hy sinh trong trận chiến khốc liệt ở Quảng Bình năm 1970. Còn anh trai thứ hai hy sinh khi mới 18 tuổi, trong một chuyến vận tải lương thực tiếp viện cho miền Nam vào năm 1969” - bà Xuân Ba, con gái của Mẹ Tấn kể.
Chồng và hai người con trai sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, mẹ Tấn càng kiên trung với Đảng, nhiệt huyết hoạt động cách mạng. Mẹ tham gia chiến đấu, hoạt động ngay trên mảnh đất quê hương Điện Bàn, những năm máy chém của quân thù lê khắp làng xóm.
Năm 1964, khi đang phục vụ bộ đội địa phương đánh cơ quan nguỵ quyền xã, mẹ bị địch bắt ở nhà lao Vĩnh Điện. Mẹ kể: “Ðịch phát hiện, chúng bắt về đồn, tra khảo đủ mọi cách, nhưng vẫn một mực không khai. Chúng giam tôi trong nhà lao chừng 2 tháng, không khai thác được gì, phải thả về. Tôi lại tiếp tục hoạt động. Việc gì cũng làm: đưa thư, dẫn đường cho cán bộ, cưu mang bộ đội…”.
Trong giai đoạn ác liệt nhất, vùng đất Gò Nổi bị địch phong toả, trại mẹ Tấn là nơi cung cấp lương thực cho cách mạng. Quân địch đưa Mẹ vào tầm ngắm với khẩu lệnh: “bắt được bà Tấn xẻo thịt ngay”. Nhưng Mẹ Nguyễn Thị Tấn dũng cảm, mưu trí ở cái nôi cách mạng nổi tiếng vùng cát Điện Bàn thoát khỏi sự càn quét của quân thù.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Mẹ Tấn tham gia công tác Hội Phụ nữ ở huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho đến khi nghỉ hưu.
“Cả một cuộc đời sống và chiến đấu, cống hiến cho quê hương, Mẹ là một tấm gương đảng viên sắt son, kiên trung; là tấm gương sáng trong đạo đức, lối sống của gia đình chúng tôi, trong niềm tự hào của một gia đình có truyền thống hoạt động cách mạng” - ông Nguyễn Đình Bình - người con trai đang phụng dưỡng Mẹ chia sẻ.
Nói cùng chúng tôi khi một mùa xuân mới đang về, trước thềm kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tấn bày tỏ: “Tôi tự hào là một đảng viên. Nhờ đường lối sáng suốt của Đảng mà quân và dân ta có những chiến thắng quan trọng. Nhờ có Đảng và Nhà nước mà nhân dân ta có đất cày”.
Thành Vân - Văn Tuấn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn