Tham dự phiên họp ngày thứ nhất của Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh, các ủy viên, ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, các Phó Chủ tịch, ủy viên Đoàn Chủ tịch, ủy viên UB Trung ương MTTQ Việt Nam.
Kết quả hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch và Đoàn Thư ký Đại hội thể hiện, các đại biểu nhất trí với số lượng tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội là 61 vị.
Giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội cơ bản đủ điều kiện
Thay mặt Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo kiểm điểm về hoạt động của Mặt trận, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hầu A Lềnh nêu con số 10 hội nghị đã được UB Trung ương MTTQ tổ chức, 3 chương trình hành động đã được triển khai, đạt kết quả.
UB Trung ương MTTQ đánh giá, hầu hết các cá nhân trong số 349 ủy viên UB đã tham dự đầy đủ các hội nghị, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy năng lực, trí tuệ, tâm huyết đóng góp đối với công tác Mặt trận.
Các vị tham gia trong các hội đồng tư vấn đã tích cực trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nắm tình hình nhân dân. Nhiều vị đã chủ động kiến nghị, đề xuất các giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận. Đó là những cá nhân tiêu biểu trong đội ngũ trí thức, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo đã phát huy vai trò hạt nhân, nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Riêng Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ (62 người) trong nhiệm kỳ khóa XIII đã tổ chức 17 hội nghị, ban hành 2 kết luận, đưa ra 3 lời kêu gọi thực hiện các phong trào…
Báo cáo kiểm điểm nhấn mạnh vai trò của Đoàn Chủ tịch trong việc tổ chức hiệp thương để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đảm bảo dân chủ và đúng luật.
“Qua các bước hiệp thương, những người ứng cử do Đoàn Chủ tịch lựa chọn về cơ bản có đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử, đảm bảo được cơ cấu, thành phần đại diện khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn Chủ tịch tham gia có trách nhiệm đối với công tác giám sát hoạt động bầu cử góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử” – báo cáo nêu đánh giá khái quát.
Tuy nhiên, từ những đại biểu Quốc hội được lựa chọn, bầu ra, trong nhiệm kỳ này, Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ đã phải cho ý kiến và đề nghị xem xét tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV đối với 6 trường hợp không còn tín nhiệm.
Lãnh đạo UB Trung ương MTTQ cũng đánh giá, Đoàn Chủ tịch Mặt trận đã có nhiều đổi mới và nâng cao chất lượng tổng hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội. Đoàn Chủ tịch đã tăng cường các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp nhân dân.
Trong nhiệm kỳ, Đoàn Chủ tịch đã phối hợp với UB Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 38.140 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
“Các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri do Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày tại phiên khai mạc mỗi kỳ họp Quốc hội đã đề cập toàn diện, kịp thời những lĩnh vực, vấn đề người dân quan tâm, qua đó bày tỏ quan điểm, chính kiến của Mặt trận, được dư luận, cử tri đồng tình ủng hộ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao” – lãnh đạo UB Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định.
Đồng thời với đó, việc đôn đốc, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị được Đoàn Chủ tịch quan tâm, nên trong nhiệm kỳ qua, trách nhiệm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết ý kiến, kiến nghị theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo chưa kịp thời bày tỏ chính kiến trước việc cấp bách phát sinh
Báo cáo khái quát, ưu điểm trong hoạt động của UB Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban thường trực MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ khóa VIII được khẳng định là đã thực hiện tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các nội dung công tác, hoạt động của Mặt trận hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, giảm bớt tính hình thức, đóng góp tích cực vào việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động, sản xuất, công tác và học tập, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Các cơ quan đã thể hiện là những tập thể đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, nhạy bén với tình hình, thể hiện được vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Phần hạn chế, yếu kém được chỉ ra trong báo cáo kiểm điểm là việc bày tỏ thái độ, chính kiến của UB Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực trước một số vấn đề cấp bách, vấn đề mới phát sinh đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân có lúc, có việc chưa kịp thời.
Việc tham gia xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chăm lo, bảo vệ, đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng hiệu quả ở một số nội dung, lĩnh vực còn chưa cao.
Một số kiến nghị, phản ánh trong giám sát và phản biện xã hội chưa sâu sắc, chưa đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời, phản hồi các kiến nghị hậu giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân mặc dù đã được quan tâm hơn, song có lúc, có nơi, có việc còn thiếu quyết liệt.
Việc hướng dẫn các địa phương cũng như các tổ chức thành viên vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Từ tổng kết thực tiễn hoạt động rút ra những kinh nghiệm, lãnh đạo UB Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, phát huy dân chủ trong sinh hoạt của UB, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Mặt trận là yêu cầu quan trọng, hàng đầu tạo động lực sáng tạo của tổ chức này.
Chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ công tác của Mặt trận phụ thuộc phần lớn vào các định hướng, chủ trương đúng đắn và sự tâm huyết, trách nhiệm của từng thành viên của UB Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực. Do đó, cần tăng cường chất lượng đại biểu, đề cao tính tiêu biểu, đại diện, tăng cường mối quan hệ công tác. Chú trọng nêu cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của ủy viên Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực và vai trò của người đứng đầu. Kiên trì, kiên quyết chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khắc phục tình trạng hành chính, hình thức trong hoạt động của Mặt trận.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn