Sáng 14/3, tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã diễn ra Lễ tri ân 64 anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến đầy kiên cường để giữ đảo Gạc Ma vào năm 1988.
Đúng ngày này 30 năm trước, máu xương của 64 người con ưu tú đất Việt đã nằm lại giữa biển khơi. Trong số 64 liệt sỹ anh dũng hy sinh trong trận hải chiến này, Quảng Bình là nơi có nhiều mất mát nhất với 13 liệt sỹ. Tất cả họ đều còn rất trẻ, ở độ tuổi mười tám, đôi mươi.
Liệt sỹ Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là một trong những người lính kiên cường đó. Người đã anh dũng hy sinh khi xông lên cắm cờ Tổ quốc, rồi bị trúng đạn giặc. Trước lúc hy sinh vì bị quân Trung Quốc tấn công, anh đã vang lên câu nói: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”. Và khi ngã xuống, anh vẫn cầm chắc là Cờ đỏ sao vàng.
Sáng nay, tại Quảng Bình trời mưa to, nhưng nhiều cựu binh Gạc Ma cũng như rất đông người dân đã về Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc, để thắp nén hương tưởng niệm. Mỗi nén hương, mỗi ngọn nến được thắp lên như một lời tri ân sâu sắc tới các liệt sỹ đã ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
Có mặt tại đây từ rất sớm, cựu binh Lê Hữu Thảo (quê ở Hà Tĩnh) cũng như nhiều cựu binh Gạc Ma khác nghiêm trang cúi đầu chào đồng đội, rồi lặng lẽ thắp 64 ngọn nến quanh phần mộ anh hùng liệt sỹ Gạc Ma Trần Văn Phương, với một cảm giác xúc động, khó diễn tả bằng lời.
Còn với mẹ Hồ Thị Đức, mẹ của liệt sỹ Phương, đã 30 năm trôi qua nhưng mẹ vẫn không thể nguôi đi cảm giác nhớ con và cũng rất tự hào vì con mình hy sinh vì Tổ quốc. Những ngày này, mẹ lại nhớ con nhiều hơn. Cứ mỗi lần gặp lại đồng đội của con, mẹ Đức lại có cảm giác như được ở gần con mình hơn và... nước mắt mẹ lại rơi.
Sự kiện Gạc Ma 1988 đã lùi vào quá khứ, nhưng nó mãi là vết hằn đau thương để nhắc nhớ thế hệ trẻ rằng, Tổ quốc luôn là vĩnh cửu, không có sự hy sinh nào cao cả bằng sự hy sinh vì Tổ quốc.
Lễ tri ân đã tiếp thêm ngọn lửa trong “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma, nhắc nhở một phần lịch sử không thể nào quên, tạo động lực cho thể hệ trẻ sẵn sàng tiếp bước cha anh ra nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...
Em trai đội mưa làm giỗ anh trai cùng 63 liệt sỹ Gạc Ma bên bờ biển
Sáng 14/3, chúng tôi tìm đến nhà của vợ chồng anh Trương Văn Hoành (SN 1972) và chị Mai Thị Lạnh (SN 1978) ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Vợ chồng anh Hoành cùng các anh chị em trong gia đình đang tất bật sửa soạn để làm một mâm cơm đưa ra biển.
Anh Hoành cho biết, mâm cơm đặc biệt này là chuẩn bị cho lần giỗ thứ 30 của Liệt sỹ Trương Văn Hướng (anh trai anh Hoành). Khác với những lần trước, năm nay gia đình không làm giỗ cúng tại nhà mà sẽ đem ra cúng trước biển, không chỉ cúng riêng anh trai mình mà sẽ cúng chung cho tất cả 64 liệt sỹ Gạc Ma, những người đã kiên cường ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
“Đây là lần giỗ thứ 30 của anh trai tôi, năm nay tôi quyết định làm giỗ chung cho anh và 63 người đồng đội của anh trước biển. Vợ chồng tôi đã làm một mâm cơm tươm tất để dâng lên anh cùng đồng đội. Trong mâm giỗ tôi cũng đã chuẩn bị đủ 64 đôi đũa, 64 cái bát. Tôi cũng đã làm một chiếc tàu Hải quân bằng giấy có ghi số hiệu HQ-604 để thả ra biển”, anh Hoành chia sẻ.
Anh Hoành cho biết, Liệt sỹ Trương Văn Hướng là con thứ 3 trong gia đình. Anh nhập ngũ năm 1985, đến năm 1988 thì hy sinh tại đảo Gạc Ma. Vào cái Tết năm 1988, Liệt sỹ Trương Văn Hướng có về nhà ăn tết đúng 1 đêm 30, sáng mùng 1 đã phải vội lên đường làm nhiệm vụ. Đó cũng là lần gặp cuối cùng hai anh em gặp nhau.
Giữa trời mưa to, mâm cơm giỗ chung 64 chiến sĩ Gạc Ma được gia đình anh Hoành che bạt đặt trước biển, 64 đôi đũa, 64 cái bát được xếp ngay ngắn. Những nén hương tưởng nhớ được anh Hoành thắp lên. Con tàu giấy mang số hiệu HQ-604 do anh Hoành tự làm cũng đã được thả thả ra biển, “hướng” về phía Trường Sa...
Tác giả: Tiến Thành
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn