Uỷ viên Thường trực UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý
- Chiều 24/10, Quốc hội bắt đầu quy trình đánh giá tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đã từng hai lần tham gia bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm từ nhiệm kỳ trước, đến nay quan điểm đo đếm tín nhiệm của bà có gì thay đổi?
- Để đánh giá một con người, nhất là với các vị “tư lệnh” ngành thì phải hết sức thận trọng, phải nhìn tổng thể chứ không thể chỉ vì một sự vụ mà đánh giá thiếu khách quan được.
Hơn nữa, cơ chế hiện nay đôi khi cũng là một rào cản cho việc thực hiện nhiệm vụ của những người được lấy phiếu.
Trước nay, tôi vẫn đánh giá cao những Bộ trưởng mà dù cơ chế có thể chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ nhưng trong thẩm quyền của mình, thấy việc gì có lợi cho dân vẫn dám làm dám chịu trách nhiệm, chứ không đánh giá cao những người việc gì cũng e ngại, sợ sệt, chờ xin ý kiến rồi sau đó nếu thất bại thì lại bảo việc này tôi xin ý kiến rồi, tôi không chịu trách nhiệm.
Sử dụng hết quyền hạn của mình để làm việc vì cái chung thì theo tôi không ngại gì hết. Và tôi đánh giá cao những Bộ trưởng như vậy.
- Với khối cơ quan hành pháp thì quyết đoán, dám làm dám chịu đúng là một phẩm chất cần ở cương vị “tư lệnh” ngành, như bà nói. Nhưng với khối các cơ quan như lập pháp, tư pháp, khi cơ chế làm việc, quyết định theo đa số, đánh giá như vậy có đảm bảo khách quan, thưa bà?
- Với khối nào thì cũng cần đánh giá khách quan. Các vị ở Quốc hội thì có thể đánh giá trên cơ sở hiệu quả hoạt động trong giám sát, thẩm tra các dự án luật pháp lệnh mà họ phụ trách.
Khối tư pháp thì mỗi kỳ họp cũng đều có báo cáo về hoạt động của ngành, trên cơ sở đó và qua giám sát cũng có thể so sánh xem từ đầu nhiệm kỳ đến nay lĩnh vực các chức danh này phụ trách chuyển biến thế nào.
Nói tóm lại thì những người xông xáo, mạnh dạn có thể có hạn chế, khuyết điểm nhưng tôi vẫn đánh giá cao hơn các vị chỉ lo “giữ mình”.
- Vậy so với 2 lần bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm ở nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, lần thứ ba này, sự chuẩn bị của bà có gì khác không?
- Dựa trên các thông tin có được, tôi tự mình ghi chép, lập biểu bảng để xem từng vị được lấy phiếu mức độ hoàn thành công việc thế nào, phẩm chất đạo đức ra sao để từ đó quyết định các mức phiếu tín nhiệm.
Nhìn tổng thể thì các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm nay đều hoàn thành, chứng tỏ các vị được lấy phiếu tín nhiệm cũng có sự phấn đấu, điều này cũng sẽ tác động đến mức độ tín nhiệm.
- Nhiều đại biểu Quốc hội đang đề cập đến nguồn thông tin tư dư luận, thậm chí mạng xã hội. Bà nghĩ thế nào về việc này?
- Thông tin từ mạng xã hội chỉ để tham khảo chứ không phải để quyết định, tham khảo phải có kiểm chứng và cân nhắc. Với mạng xã hội, tôi không có nhiều thời gian để xem.
Tóm lại là từ nguồn thông tin nào thì cũng phải hết sức thận trọng chứ không thể cảm tính khi đánh giá một con người, nếu đánh giá không chính xác là không hoàn thành trách nhiệm với cử tri và nhiệm vụ của đại biểu.
- Dự đoán của cá nhân bà về kết quả tín nhiệm đối với 48 lãnh đạo được lấy phiếu lúc này?
- Dự đoán của cá nhân tôi là mức “tín nhiệm cao” sẽ không nhiều lắm, tầm 40%, tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” cũng không lớn, tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” sẽ là nhiều nhất.
- Trước khi diễn ra kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội có nhắc các vị đại biểu không nên nhận lời mời gặp gỡ, tiệc tùng của các Bộ, ngành. Tuy nhiên, nếu là để ngăn chặn khả năng lobby, chạy phiếu thì không mời tiệc tùng, các Bộ, ngành cũng có thể gửi quà, điện thoại nhờ vả... Tình huống đó bà sẽ ứng xử thế nào?
- Tôi nghĩ lời nhắc của Chủ tịch Quốc hội cũng là để bảo vệ hình ảnh cho đại biểu. Tại kỳ họp này tôi không nhận được bất cứ món quà nào hay bị “sức ép” gì liên quan đến việc đánh giá tín nhiệm.
- Xin cảm ơn bà!
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn