Dao phay chống chọi với súng đạn
Nhấp chén trà đặc quánh, ông Nguyễn Xuân Quân - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Đạo (TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) - nhớ lại, rạng sáng 17/2/1979, người dân xã Hưng Đạo (trước thuộc huyện Hòa An, Cao Bằng) bị đánh thức bởi loạt pháo từ biên giới Trung Quốc câu sang. Pháo sáng rợp trời, người dân nhốn nháo hò nhau chạy, ai vơ được gì thì mang theo.
“Khoảng hơn 9h sáng ngày 18/2, chiếc xe tăng đầu tiên của Trung Quốc tiến đến dốc Cao Bình (thuộc xã Hưng Đạo - PV). Chúng ngụy trang, che chữ “Bát Nhất” đi khiến nhiều người dân tưởng đó là xe tăng của ta. Vừa đi, chúng vừa bắn từng loạt đạn 2-3 phát như để cảnh báo.” - ông Quân kể.
Đang nấu nồi cơm cuối cùng để cả nhà đi sơ tán, bà Nguyễn Thị Hải (SN 1941, trú tại phố Cao Bình, xã Hưng Đạo) hoảng hồn khi chiếc xe tăng đỗ xịch trước cửa. Không ai dám hé một lời, bà nằm trườn ra đất, nhòm qua khe cửa thấy địch đang sửa xe. Hồi lâu sau xe tăng địch đi tiếp, gia đình bà mới hoàn hồn trở lại.
Chiếc xe tăng ấy tiến về phía chợ Cao Bình, đỗ lại trước khu vực cầu treo nối với xã Hoàng Tung (huyện Hòa An).
“Anh trai tôi cùng xã đội phó Lê Văn Thư thấy 4 tên lính chui ra khỏi xe, nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung Quốc. Xác định chính xác là địch, xã đội phó nổ súng định hạ sát lái chính nhưng bất thành. Chúng lập tức quay nòng pháo về phía chợ, nã đạn, bắn cháy cửa hàng thuốc và một nhà dân.” - ông Trần Mạnh Cường (SN 1961, trú tại xóm 5 Hồng Quang, xã Hưng Đạo) nhớ lại và cho biết, hồi sau, có thêm 5-6 xe tăng địch tiến vào, vừa đi vừa bắn thị uy.
Thời điểm đó, ông Cường mới tham gia dân quân, được huấn luyện ít ngày. Ông cùng một số dân quân được phân công canh gác cho người dân sơ tán. Nhiều gia đình không tin có chiến sự xảy ra, kiên quyết trụ lại.
Cùng đồng đội đi trinh sát, một lần, ông Cường phải nấp trong bụi rậm, chứng kiến cảnh lính Trung Quốc hành quân băng rừng.
“Chúng đi hàng một, nối đuôi nhau hành quân từ 10h sáng đến 3h chiều mới đi hết, đông không tả được.” - ông Cường nhớ lại.
Trong những ngày tham gia dân quân xã Hưng Đạo, ông Cường cùng đồng đội phối hợp với các chiến sĩ công binh đóng trên địa bàn xã nhiều lần đối đầu, chống trả quân địch. Do không có vũ khí, chỉ dao phay chống chọi với súng đạn, lực lượng của ta phải rút về hậu cứ.
Cùng lúc ấy, gia đình 9 người nhà ông Cường và khoảng 40 người dân khác chạy loạn, ẩn nấp dưới một khe suối. Khi địch rút đi, ông Cường trở về tìm lại gia đình thì bàng hoàng nghe tin 3 người em của ông bị địch sát hại.
“Đứa em gái 15 tuổi cõng đứa em trai 3 tuổi bị giặc bắn chết. Đứa em trai 7 tuổi chạy theo sau cũng bị hạ sát không thương tiếc. Bố mẹ tôi lượm xác về, gói vào chăn, vùi tạm xuống hố người ta đào củ mài. Khi quân đội ta tiến vào, mọi người mới đào lên, đưa về chôn cất.” - ông Cường kể.
Trận Bản Sảy tiêu diệt 12 xe tăng địch
Sau thời gian chiến đầu ở chiến trường phía Nam, tháng 8/1978, ông Mã Nam Hùng (SN 1953, trú tại xã Hưng Đạo) cùng nhiều cán bộ có kinh nghiệm được điều động ra Bắc làm nhiệm vụ. Ông nhận trách nhiệm làm Đại đội phó Đại đội 3 (phụ trách vận tải) của Tiểu đoàn 19, Sư đoàn 346.
Sáng 18/2/1979, phát hiện xe tăng của địch tiến về hướng thị xã Cao Bằng, biết không thể chống trả được, ông lệnh cho anh em rút lên điểm cao, bảo toàn lực lượng. Trên đường di chuyển, Sư đoàn của ông đã đối đầu địch ở khu vực xóm Bản Sảy, xã Bế Triều, huyện Hòa An. Tại đây đã diễn ra trận đánh ác liệt, Sư đoàn 346 đã hạ gục hơn chục xe tăng địch.
Tối 17/2, ông Phạm Trung Tần (SN 1952, trú tại xã Bế Triều, huyện Hòa An) cùng các dân quân thuộc Trung đội cơ động huyện Hòa An nhận lệnh lên chốt Phi-a-ma (huyện Hòa An). Mờ sáng hôm sau, từ trên điểm cao, ông Tần chứng kiến cảnh 15 chiếc xe tăng địch gầm rú, rầm rầm nối đuôi nhau hướng về thị xã Cao Bằng.
Thời điểm đó, mỗi trung đội cơ động chỉ có vài khẩu AK và CKC. Các chiến sĩ từ điểm cao nã đạn xuống đoàn xe nhưng nhanh chóng bị đáp trả bằng súng 12,7 ly nên buộc phải rút về, triển khai các ngả chiến đấu.
Lúc này, 2 xe ô tô chở một đại đội lính chủ lực tiến về Hòa An, đụng đoàn xe tăng địch ở thị trấn Nước Hai (huyện Hòa An). Do không thuận lợi để triển khai trận địa, đại đội lính chủ lực rút về khu vực xóm Bản Sảy (xã Bế Triều), chốt chặn, cho một xe ô tô quay ngang chặn đường.
“Đoàn xe tăng địch hùng hổ tiến về hướng thị xã Cao Bằng, khi qua cầu Bản Sảy, do cầu yếu, bị sập nên một xe mắc kẹt, chổng vó lên trời. Các xe khác phải lội qua ngầm để đi tiếp. Lính chủ lực và dân quân đã bắn cháy một xe tăng địch ở đầu xóm Bản Sảy nhưng đoàn xe vẫn lừng lững tiến đi, húc tung xe chắn đường của quân ta.” - ông Tần kể.
Bị đánh chặn ở Cao Bình, đoàn xe tăng địch buộc phải quay lại, đến trận địa Bản Sảy gặp lực lượng ta chốt chặn. Chiến sự xảy ra từ 8h sáng đến 15h chiều cùng ngày. Quân ta đã tiêu diệt 12 xe tăng địch và toàn bộ giặc lái.
“Địch chỉ có xe tăng, không có bộ binh yểm trợ nên gặp trận địa của ta triển khai trước đã không thể xoay sở kịp, nhanh chóng bị tiêu diệt.” - ông Tần nói và cho biết, mấy ngày sau, quân địch tràn sang đã dùng bộc phá phá hủy số xác xe tăng trên.
Khi chiến sự kết thúc, người dân đã thu gom các mảnh vụn xác xe tăng, xếp thành đống, chôn cột, dựng một tấm bia ghi lại chiến công.
“Tấm bia khắc mấy dòng, đại ý là: Tại đây, quân và dân Bản Sảy đã tiêu diệt 12 xe tăng địch” - ông Tần kể.
Tiến Nguyên
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn