Sinh ra và lớn lên trên quê hương đất võ Bình Định năm 1932, năm 18 tuổi chàng thanh niên Phan Nhạn tham gia cách mạng. Năm 1954, sau khi tập kết ra Bắc, ông được cấp trên cử đi học văn hóa và đào tạo lớp cơ điện tàu thủy. 8 năm sau ông được cấp trên điều về công tác tại Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) với nhiệm vụ làm Máy trưởng của các con tàu thuộc “Đoàn tàu không số” để vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam.
Trong các lần vượt biển, nhiều lần tàu ông bị địch bủa vây nhưng ông và đồng đội vẫn mưu trí thoát khỏi vòng vây địch. Có những lần ông cùng đồng đội trải qua khoảnh khắc cái chết và sự sống chỉ trong gang tấc.
Ông kể, trong số các chuyến vượt biển thì chuyến đặc biệt nhất, không thể nào quên là chuyến chở 25 tấn vũ khí vào Vàm Lũng, Cà Mau. Theo kế hoạch, 23h ngày16/10/1962 tại bến K15 Đồ Sơn, con tàu gỗ Phương Đông 2 của ông do Nguyễn Giạt làm thuyền trưởng nhổ neo xuất phát.
Trước lúc lên đường các đồng chí Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Trần Văn Trà đến chia tay đoàn. Anh Phạm Hùng nói: “Các đồng chí chuẩn bị thực hiện một nhiệm vụ vô cùng lớn lao, vinh quang và nguy hiểm, phía trước miền Nam và Quân Giải phóng đang từng ngày, từng giờ ngóng chờ các đồng chí”.
Cái bắt tay, ôm hôn nồng ấm với các đồng chí lãnh đạo như tiếp thêm sức mạnh và lòng vững tin cho bác và cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Thay cho điều muốn nói, Thuyền trưởng Nguyễn Giạt và các cán bộ, chiến sĩ giơ cao cánh tay rắn rỏi và đồng thanh hô: “Quyết tâm!” Nhìn những gương mặt còn rất trẻ như Huỳnh Văn Lân, Nguyễn Hấn, Tư Đạo, Nguyễn Ngọc… hồn nhiên ra trận với bầu “máu nóng” tuổi đôi mươi.
Người cựu binh say sưa kể tiếp, do có 3 đồng chí quê Nam Bộ là Ba Trung, Năm Công và Sáu Danh sẽ làm hoa tiêu nên chuyến đi có phần thuận lợi cho tàu. Sau hơn 2 ngày, 3 đêm trên biển, luồn lách, tránh tàu địch, đến vĩ tuyến 17 thì tàu bị mất liên lạc với đất liền.
Chi bộ triệu tập cuộc họp, thuyền trưởng thông báo “Máy vô tuyến điện bị sự cố, tàu quay về hay tiếp tục lên đường”? Mọi người quyết tâm “Lên đường!”. Thông suốt tư tưởng, tàu chuyển phương án: ban ngày ngụy trang giả tàu đánh cá, đêm len lỏi và tăng tốc di chuyển nhanh. Thời tiết Phương Nam vào mùa gió chướng, sóng to cấp 5 cấp 6, anh em không nấu ăn được, chỉ có lương khô và nước để cầm hơi.
Ông Phạn Nhạn kể, vào lúc 18 giờ ngày thứ Năm, tàu đã qua Cù Lao Thu, Phan Thiết. Đến 22 giờ 30 thủy thủ trực máy phát hiện từ xa 3 chiếc tàu tuần tra của Mỹ đang lao tới. Toàn tàu hội ý và nhận định tình hình, có thể tàu mình bị địch phát hiện, nghi ngờ. Lệnh sẵn sàng chiến đấu, tầm nhìn xa cự ly giữa hai bên khoảng hơn 5 hải lý. Thuyền trưởng Giạt ra lệnh: “Phải 45 độ, tất cả vào vị trí sẵn sàng chiến đấu!”. Sau hơn 20 phút tình hình trở lại bình thường bởi tàu địch không phát hiện được, vì tàu mình không bật đèn, toàn tàu thở phào.
Sau chút không thấy nghi ngờ của địch thì tàu Phương Đông 2 vẫn lặng thầm rẽ sóng. Lúc đó gần 0 giờ, trăng cuối tuần ảm đạm đến lạ kì, người ngủ, người thức, chỉ thương mấy anh em miền Bắc chưa quen sóng nước. Còn ông vốn là dân vùng biển nên việc bơi lặn là sở trường và sóng to đến mấy ông vẫn chịu được. Ông kể tiếp, sau 7 ngày lênh đênh trên biển, sáng ngày 22 tháng 10, tàu đến vùng biển Cà Mau.
Bữa cơm cuối cùng được nấu xong, đã 5 ngày anh em chưa được hạt cơm nào. Lúc đó hơn 3 giờ chiều, lợi dụng cơn mưa bất chợt tàu chuyển hướng vào bờ. Thế nhưng, tàu sắp vào bến mà vẫn chưa bắt được tín hiệu của đất liền. Toàn tàu căng mắt dõi về bốn hướng cảnh giác và tìm đồng đội. 4 giờ 15 phút, anh em phát hiện có một chiếc ghe đánh cá, thấy tàu mình họ bỏ chạy. Tàu tăng tốc đuổi theo, cặp bám được ghe của họ. Biết là tàu của đằng mình, chiếc ghe đã dẫn đoàn vào được lạch Ghềnh Hào vào lúc 5 giờ ngày 23 tháng 10.
Đồng chí Tư Đức, thủ trưởng đơn vị 962, Quân khu 9 ra đón, tâm sự: Đã mấy ngày này tàu của chúng tôi cứ đêm ngày vào ra phía mũi dõi tìm, lòng cồn cào lo lắng, thật vui mừng khôn xiết khi tàu mình cập bến được an toàn. Chuyến đi đầu tiên của tàu Phương Đông 2 đã đưa 25 tấn vũ khí về Vàm Lũng, Cà Mau là một kỷ niệm thiêng liêng, đáng nhớ trong cuộc đời của cựu binh Phan Nhạn.
Người lính năm xưa tâm sự, ngành máy là trái tim của con tàu, không thể ngừng đập, ngành này thường có hai người trở lên để đảm bảo kĩ thuật, bao quát phần cơ điện, theo dõi công suất hoạt động… Vì thế, người trực máy không được lơ là. Máy trưởng tàu không số, lúc chiến đấu là tổ trưởng tổ bộc phá, tham gia chiến đấu và sẵn sàng chờ lệnh nổ tàu khi rơi vào tình huống bất khả kháng.
Thế là, giọng ông trầm xuống khi nhắc lại chuyến đi của tàu 41 do Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng khi vào bãi ngang ở Quảng Ngãi. Lúc đó ông và thuyền trưởng Thạnh là người cuối cùng bơi vào bờ sau khi đã làm nhiệm vụ điểm hỏa hủy tàu, nhiều đồng đội của ông đã nằm lại giữa biển khơi mãi không trở về.
Anh dũng, kiên trung trong đấu tranh, trở về với đời thường, người cựu chiến binh Đoàn tàu không số năm xưa Phan Nhạn vẫn luôn giữ vững phẩm chất của một người lính Cụ Hồ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông vào thành phố biển Nha Trang sinh sống. Ông cũng được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương quý giá và hiện là Trưởng Ban liên lạc Đoàn tàu không số tỉnh Khánh Hòa.
Thanh Điệp – Viết Hảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn