Bản tổng hợp trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 do Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội thực hiện, phần thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ Ngoại giao nêu nhiều ý kiến về vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc quân sự hóa, cấu trúc lại 2 quần đảo
Ngoài ý kiến của cử tri Bà Rịa – Vũng Tàu, cử tri tỉnh Phú Yên, Long An, TPHCM, Trà Vinh tiếp tục biểu thị sự lo ngại về vấn đề Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc đưa tên lửa, máy bay ra Hoàng Sa, Trường Sa và các tàu nước ngoài đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Cử tri cho rằng, hành động này cho thấy âm mưu độc chiếm và tham vọng muốn kiểm soát những tuyến hàng hải, hàng không huyết mạch của thế giới trên Biển Đông.
Cử tri đề nghị bằng mọi cách buộc Trung Quốc phải rút vũ khí và quân đội khỏi Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh thổ của Việt Nam. Đồng thời phải có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với Trung Quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và độc lập dân tộc. Quan tâm tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
Trong văn bản trả lời, Bộ Ngoại giao khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế, trong đó có các tranh chấp liên quan đến biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế.
Trong vấn đề biển Đông và xử lý quan hệ với Trung Quốc, chủ trương của Đảng và Nhà nước là rất rõ ràng và nhất quán. Một mặt, tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, ổn định và lành mạnh với Trung Quốc, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi để phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước. Mặt khác, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trước các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế như đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận ở nhiều cấp, dưới nhiều hình thức: giao thiệp, trao công hàm, cho lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc, phát biểu phản đối… và tại nhiều diễn đàn khác nhau (song phương và đa phương).
Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh với việc Trung Quốc quân sự hóa các cấu trúc tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về song phương, một mặt Việt Nam đấu tranh trực diện với Trung Quốc, phản đối, thẳng thắn nêu quan ngại về các hoạt động tôn tạo, quân sự hóa tại Biển Đông trong các cuộc hội đàm, diễn đàn đàm phán giữa hai nước. Mặt khác, Việt Nam tích cực trao đổi, tham vấn, phối hợp lập trường với các quốc gia có lợi ích trong và ngoài khu vực cùng lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hoạt động quân sự hóa hoặc triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông.
Về đa phương, trong khuôn khổ khu vực, Việt Nam đã chủ động, tích cực duy trì vấn đề Biển Đông, cập nhật các diễn biến mới trong chương trình nghị sự, văn kiện và tuyên bố, phản ánh và ghi nhận quan ngại của các nước về hoạt động tôn tạo, nhấn mạnh tầm quan trọng của không quân sự hóa và kiềm chế.
Tại các diễn đàn trong khuôn khổ Liên hợp quốc, đặc biệt là tại Hội nghị các nước thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam đã phát biểu yêu cầu các nước tuân thủ đầy đủ quy định của Công ước, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không thực hiện các hành vi đơn phương, trong đó có hoạt động quân sự hóa các cấu trúc tại biển Đông.
Bảo vệ ngư trường tại Hoàng Sa, Trường Sa
Cử tri Đà Nẵng cũng phản ánh, thời gian gần đây, tàu Trung Quốc liên tục có hành vi tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam đang khai thác hải sản hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam. Vấn đề này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam.
Cử tri kiến nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam có tiếng nói phản đối và có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ ngư dân khai thác hải sản tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao cho biết, bảo vệ ngư dân Việt Nam hoạt động an toàn ở biển Đông luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đối với các hành vi tàu công vụ nước ngoài xua đuổi, đâm va, đập phá lấy tài sản, bắt giữ trái phép và ngược đãi ngư dân Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam, ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Bộ Ngoại giao luôn kịp thời tiến hành các biện pháp đấu tranh với phía nước ngoài, phản đối các hành động vi phạm, yêu cầu phía nước ngoài chấm dứt và không để tái diễn các hành động tương tự; điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, trong đó có việc bồi thường cho ngư dân Việt Nam.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành bảo hộ 24 vụ/28 tàu/190 ngư dân bị Trung Quốc trấn áp, lấy đi ngư cụ và tài sản ở Hoàng Sa. Ngay sau khi nhận được thông tin liên quan, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước để xác minh thông tin các vụ việc. Đối với các vụ việc nghiêm trọng và có đủ bằng chứng, Bộ Ngoại giao kiên quyết đấu tranh, phản đối, yêu cầu điều tra, xác minh, nghiêm khắc xử lý các tàu và cá nhân sai phạm, bồi thường thiệt hại cho ngư dân, tàu cá của ta và thông báo cho phía Việt Nam.
Cơ quan trả lời kiến nghị của cử tri nêu rõ, Việt Nam đã nhiều lần nêu ở các cấp, kể cả cấp cao, trong các phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung nhằm: đề nghị hai bên xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá và hoạt động của ngư dân, các vấn đề phát sinh trong hoạt động nghề cá trên biển; đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế; phản đối việc mở rộng hiện diện của lực lượng chấp pháp tại biển Đông, xua đuổi, trấn áp tàu cá của Việt Nam, xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ nghiêm trọng của vụ việc, thông tin sẽ được các cơ quan chức năng cung cấp cho báo chí khai thác, sử dụng, đấu tranh. Tuy nhiên, đối với một số vụ việc thông tin được cung cấp không đầy đủ, chính xác, không xác định rõ số hiệu, quốc tịch của tàu, thuyền, vị trí nơi xảy ra vụ việc,... khiến cho công tác xử lý gặp nhiều hạn chế, thậm chí gây khó khăn cho việc xác minh và đấu tranh, nhất là đấu tranh ngoại giao, dư luận của các cơ quan chức năng, Bộ Ngoại giao thông tin.
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để đấu tranh, bảo vệ ngư dân, tàu cá hoạt động trên các vùng biển và tại khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ta, văn bản trả lời nêu rõ.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn