Kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên lần thứ 17 khóa VII vừa tổ chức phiên bế mạc, tại kỳ họp lần này đã thông qua 30 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội; Đầu tư công; Chuyển mục đích sử dụng đất rừng…
Tại kỳ họp đã ghi nhận 39 lượt phát biểu, 115 ý kiến ở hoạt động thảo luận tại các tổ về tình hình kinh tế - xã hội; 12 lượt ý kiến về các nội dung liên quan đến các Nghị quyết, chức trách của các thành viên UBND tỉnh.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo, tờ trình của Thường trực HĐND, các ban HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan trình tại kỳ họp; đồng thời đề xuất, thảo luận làm rõ một số vấn đề.
Tuy vậy, đến phần chất vấn lại không có đại biểu nào lên chất vấn, mặc dù trong kế hoạch HĐND tỉnh Phú Yên đã dành thời gian 1 buổi để các đại biểu thực hiện hoạt động này.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp nhiều vấn đề cử tri quan tâm vẫn chưa được giải đáp một cách rõ ràng.
Đơn cử như ý kiến: Thời gian gần đầy các cơ quan báo chí có nêu một số vấn đề có liên quan đến việc chuyển nhượng, cho thuê một số khu đất trên địa bàn tỉnh; Vấn nạn phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp dù chính quyền đã có nhiều biện pháp mạnh; Vấn đề về chậm trong cải cách hành chính; Vấn đề thi công đường Nguyễn Trãi gây ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất của người dân…
Khi không có đại biểu nào chất vấn, Chủ tọa kỳ họp phải mời Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lên báo cáo, làm rõ các vấn đề được các cử tri, đại biểu quan tâm, đặc biệt là các giải pháp để khôi phục kinh tế hậu Covid-19. Thế nhưng, vẫn không có đại biểu nào chất vấn thêm để làm rõ.
Chia sẻ về việc đại biểu HĐND không chất vấn, ông Trần Văn Hạt, Nguyên Trưởng Ban pháp chế cho biết, nguyên nhân các đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên ít chất vấn vì sau khi chất vấn các vấn đề được đưa ra chất vấn lại thường rơi vào tình trạng "chuyển biến" rất chậm.
“Trước đây cũng có rất nhiều đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên có câu hỏi chất vấn, trong đó có nhiều vấn đề nóng, tuy nhiên vấn đề chuyển biến sau chất vấn còn chậm, không mạnh mẽ. Đơn cử như một số vấn đề các đại biểu đưa ra chất vấn về các việc làm trái quy định pháp luật của các đơn vị, địa phương, song việc sửa chữa, khắc phục thường chậm trễ” - ông Trần Văn Hạt nói.
Còn theo ông Trần Văn Cư, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên cho biết, tại các phiên thảo luận, không khí rất sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng. Tuy vậy, việc chất vấn trực tiếp tại Hội trường lại không diễn ra, đây là điểm hạn chế trong hoạt động của HĐND tỉnh.
Theo ông Cư, nguyên nhân chính do đa số đại biểu là cán bộ đương chức, lãnh đạo các ngành, địa phương nên họ ngại va chạm.
“Các đại biểu HĐND hằng ngày, hằng tuần đều chạm mặt mà chất vấn tại hội trường thì đâm ra cũng ngại. Thường trực của mình mấy kỳ rồi thấy tình hình đó nên yêu cầu các đại biểu, các tổ, xới lên một số vấn đề mà Thường trực yêu cầu. Để mà các Sở, ngành, UBND tỉnh có trách nhiệm trả lời, qua đó, các đại biểu hỏi thêm. Tôi mong thời gian tới đại biểu HĐND tỉnh phải có trách nhiệm vì bà con cử tri họ thấy đại biểu cũng tham gia nhiều vấn đề.” - ông Cư nói.
Trung Thi
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn