Ông Tuyết là một thành viên trong đoàn giám sát của Quốc hội tham gia làm việc với tỉnh Hải Dương về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 chiều ngày 28/3.
Báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương cho biết, trong giai đoạn 2011–2016, số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không thay đổi, số cơ quan hành chính giảm 1 do chuyển Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng sáp nhập vào Ban Nội chính Tỉnh uỷ. Năm 2016, thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Hải Dương giảm mỗi năm 1,7%, giao cho các đơn vị là 2.184 chỉ tiêu; đến năm 2017 giao giảm còn 2.146 chỉ tiêu. Trong 2 năm 2016 và 2017, tổng biên chế giảm 73 chỉ tiêu.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết: "Hải Dương có 635 cán bộ quản lý từ cấp phó phòng trở lên trong khi chuyên viên chỉ có 301 người".
Phó Chủ tịch tỉnh Lương Văn Cầu khái quát, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan đơn vị thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện là phù hợp với yêu cầu cải cách trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý.
Dẫn số liệu về số lượng công chức giữ chức danh lãnh đạo quản lý từ cấp phó phòng trở lên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết phân tích: “Toàn tỉnh có 635 cán bộ quản lý từ cấp phó phòng trở lên trong khi chuyên viên chỉ có 301 người, tức tính trung bình thì cứ hơn 2 lãnh đạo mới có 1 nhân viên”.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật Ngô Trung Thành đề nghị làm rõ việc số lượng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên là do chính sách pháp luật cho phép bổ nhiệm như vậy hay do khâu điều hành, chỉ đạo bất hợp lý.
“Cùng chung thể chế nhưng sao tỉnh Quảng Ninh, nơi nhiều nhất thì cũng chỉ có tỷ lệ 1 lãnh đạo/1 nhân viên còn Hải Dương phổ biến việc 2 lãnh đạo chung 1 chuyên viên như vậy?” – đại biểu Thành băn khoăn.
Theo ông Thành, vừa qua, Thanh tra Bộ Nội vụ đã kết luận Hải Dương có 213 hợp đồng nhân sự làm công tác chuyên môn là không đúng. Những vụ lùm xùm tại địa phương cũng có. Vậy trách nhiệm cơ quan thanh kiểm tra của tỉnh đến đâu?
Cũng đề cập lại chuyện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có tới 44/46 nhân sự là lãnh đạo làm “dậy sóng” dư luận vừa qua, Uỷ viên thường trực UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thuý đối chiếu với đánh giá của tỉnh là “qua thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị không có đơn vị nào sai phạm không có đơn thư phản ánh, kiến nghị về cải cách tổ chức bộ máy hành chính”.
“Tỉnh có hiện tượng bổ nhiệm nhanh như dư luận đề cập không? Số lãnh đạo “thừa” bây giờ địa phương xử lý thế nào?” – bà Thuý tiếp thêm nhiều câu hỏi.
Giải trình tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Văn Tỏ cho biết, so với nhiều địa phương có cùng điều kiện thì Hải Dương có số lượng công chức rất thấp, chỉ hơn 1000 người.
Với số lao động hợp đồng làm việc chuyên môn, ông Tỏ giải thích, do thiếu người nên các đơn vị có ký hợp đồng nhưng những người này chủ yếu cũng chỉ giúp việc là chính. Sau khi có kết luận của Bộ Nội vụ, tỉnh đã chỉ đạo chấm dứt số lao động hợp đồng làm chuyên môn.
Về vấn đề “dư thừa” cấp phó, nhất là phó phòng, ông Tỏ dẫn số liệu cho biết, sau khi có kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ đối với Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, đến nay, địa phương đã cơ bản khắc phục xong. Hiện trên toàn tỉnh, trung bình chỉ còn 1,85 phó phòng/phòng. Theo quy định, ở cấp huyện có thể có 3 phó/phòng nhưng con số thực tế ở địa phương cũng chỉ là 2,05 phó phòng/phòng.
“Sau khi rà soát, toàn tỉnh chỉ có 11 phòng vượt số lượng lãnh đạo cấp phòng. UBDN tỉnh đã ban hành quyết định chỉ đạo các Sở ngành thực hiện nghiêm về điều kiện tiêu chuẩn, trình tự, số lượng cán bộ cấp phòng để khắc phục triệt để” – Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định.
Nói thêm về tỷ lệ 2 lanh đạo chung 1 chuyên viên, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, bảng thống kê chưa đầy đủ vì báo cáo chưa tính cả số người lao động.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn