Gói hỗ trợ tiền trọ nhằm kéo lao động quay lại thị trường mới giải ngân được hơn 3.500 tỷ đồng (đạt 54,5%), theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Ban hành từ cuối tháng 3, tính toán của cơ quan chuyên môn ban đầu khoảng 3,4 triệu người nhận hỗ trợ với tổng kinh phí 6.600 tỷ đồng. Song đến cuối tháng 9, các địa phương mới giải ngân được gần 3.540 tỷ đồng cho hơn 5,1 triệu lao động (đạt 54,5%) ở 60 tỉnh thành.
Nữ công nhân KCN Thăng Long (Hà Nội) nấu ăn trong phòng trọ - nơi thuê với giá một triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: Ngọc Thành
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra nhiều lý do khiến việc giải ngân chậm. Cụ thể chính sách ban hành trong bối cảnh hàng triệu người về quê gây thiếu hụt lao động nên tỉnh thành báo cáo nhu cầu lao động cần hỗ trợ cao hơn dự kiến. Kinh phí tính đủ ba tháng thuê nhà nhưng nhiều người chỉ đề nghị 1-2 tháng. Nhiều người e ngại khi lập hồ sơ vì gặp khó trong xin giấy tờ tạm trú.
Song lý do phần lớn đến từ địa phương và doanh nghiệp, bởi thống kê cho thấy nhiều địa phương chậm ban hành kế hoạch, bố trí kinh phí phải thông qua HĐND tỉnh thành. Đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp mới làm thủ tục vì muốn gộp ba tháng một lần cho đỡ mất công. Hôm 15/8 là hạn cuối cùng tiếp nhận, số hồ sơ doanh nghiệp nộp tăng gấp ba lần số cộng dồn trong bốn tháng (tháng 4-8/2022).
Lý do cuối cùng là cán bộ sợ sai và doanh nghiệp sợ hậu kiểm nên thêm thủ tục rườm rà dù chính sách đã đơn giản hóa.
Hôm 28/3, Chính phủ thông qua chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động với mức 0,5-1 triệu đồng/người/tháng, tối đa ba tháng. Hai nhóm thụ hưởng là người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động. Gói hỗ trợ nhằm kéo lao động quay lại doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đứt gãy, các nhà máy thiếu nhân lực sau Tết Nguyên đán. Nhiều người về quê và không trở lại thành phố.
Tác giả: Hồng Chiêu
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn