Đó là phát biểu khai mạc của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại buổi làm việc với Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành tỉnh Ninh Thuận.
Bốn tiềm năng còn ngỏ
Là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí địa lý quan trọng nằm trên ngã ba nối liền vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Ninh Thuận đang từng bước thực hiện tốt việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững cũng như trong việc triển khai thực hiện công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch dải ven biển, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và quy hoạch các ngành, lĩnh vực quan trọng như phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; phát triển nông lâm - thủy sản; phát triển du lịch; đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu trong buổi làm việc tại tỉnh Ninh Thuận
Tại buổi làm việc vừa qua với Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu đánh giá tốt về công tác tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 của cấp ủy các cấp. Đặc biệt, Ninh Thuận đã nỗ lực trong khắc phục những khó khăn do hạn hán khốc liệt nhất trong 11 năm trở lại đây để đảm bảo tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh ổn định và tiếp tục phát triển, một số mặt có chuyển biến khá tích cực. Tỉnh đã có sự chủ động trong công tác ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là chống hạn trên địa bàn tỉnh góp phần hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của thiên tai.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, Ninh Thuận có những lợi thế khá rõ nét về công nghiệp chế biến, nông lâm - thủy sản, du lịch và đặc biệt là năng lượng tái tạo. Trong đó, Ninh Thuận là một trong hai tỉnh có thế mạnh đặc biệt, được thiên nhiên ưu đãi để đẩy mạnh phát triển đó chính là năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Ninh Thuận có vị trí thuận lợi với tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,1m/s, ở độ cao 65m và mật độ gió từ 400-500W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18-20m/s (ở độ cao 12m). Toàn tỉnh hiện có 14 vùng gió tiềm năng, khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2030, xác định tiềm năng phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận gồm 05 khu vực với tổng diện tích 21.432 ha, tổng công suất dự kiến 1.429 MW, khả năng khai thác đến năm 2030 khoảng 2.500 MW với sản lượng 5.475 triệu kWh.
Về điện mặt trời, Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng về năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước, có độ cao mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn.
Tuy nhiên, trong những năm qua, dù đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng sạch cũng như về công nghiệp chế biến, nông lâm - thủy sản, du lịch nhưng kết quả dường như vẫn nằm ở mức độ ”tiềm năng”. Vậy đâu là nguyên nhân?
Những nút thắt cần gỡ
“Phát triển các ngành năng lượng tái tạo, du lịch kết hợp, công nghiệp chế biến có hàm lượng công nghệ cao, đánh bắt và nuôi trồng, chế biến thủy sản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao” - đây không chỉ là mong ước mà còn là một mục tiêu xác định buộc Ninh Thuận phải phấn đấu thực hiện hiệu quả trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tuy nhiên, nhìn lại hàng loạt những bất cập, khó khăn trước mắt của Ninh Thuận mà ngay các bộ ngành đều có chung nhận định đó là:
Về năng lượng tái tạo, đến nay, mới chỉ có 3 dự án đã khởi công (dự án nhà máy điện gió Công Hải, Trung Nam và Mũi Dinh). Nhìn chung, hầu hết các dự án triển khai rất chậm so với tiến độ quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài việc Ninh Thuận chưa có những chính sách đột phá trong phát triển năng lượng tái tạo thì một trong những nguyên nhân lớn nhất, mang tính quyết định đó chính là vấn đề giá bán điện chưa thỏa mãn các nhà đầu tư!
Được biết, để khuyến khích phát triển điện gió tại Việt Nam, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ các dự án điện gió nối lưới với giá mua khoảng 7,8USDCent/kWh kèm theo một số ưu đãi về thuế và phí. Tuy nhiên, từ khi quyết định này có hiệu lực đến nay giá điện gió vẫn chưa được thay đổi, trong khi đó đầu tư điện gió ở Việt Nam có chi phí đầu tư lớn, thiết bị phải nhập khẩu, cơ sở hạ tầng yếu, thiếu chuyên gia..., dẫn đến các nhà đầu tư không mặn mà, nhiều dự án ”án binh bất động”!
Bên cạnh đó, các ngành được xác định là mũi nhọn như: du lịch; công nghiệp chế biến có hàm lượng công nghệ cao; đánh bắt và nuôi trồng, chế biến thủy sản; nông nghiệp công nghệ cao của Ninh Thuận cũng chưa có những đột phá làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bao trùm lên tất cả, không chỉ ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp - nông thôn mà còn tác động tiêu cực tới các ngành kinh tế khác đó chính là vấn đề nước. Hơn chục năm nay, hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, an sinh xã hội của nhân dân Ninh Thuận, đặt ra cho Ninh Thuận phải giải bài toán đầu tư hệ thống thủy lợi, đầu tư liên thông các hồ chứa nước.
Tạo đà phát triển
Với hàng loạt khó khăn, bất cập nêu trên, các đồng chí Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Lãnh đạo các Bộ, ngành đều cho rằng, giai đoạn này, đòi hỏi Ninh Thuận phải có sự bứt phá mạnh mẽ cũng như sự chung tay góp sức từ Trung ương xuống địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng đã gợi mở cho Ninh Thuận một số chính sách để tạo sự phát triển đột phá, xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương sớm xây dựng Đề án thí điểm về giá điện gió, điện mặt trời trình Chính phủ phê duyệt để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư và đưa các dự án đã đăng ký đi vào hoạt động, góp phần giải quyết tình trạng thiếu năng lượng của cả nước trong thời gian tới.
Ông Bình yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và tỉnh Ninh Thuận có sự phối hợp rà soát làm tốt công tác quy hoạch phát triên nông nghiệp, đặc biệt hệ thống hồ đập cùng hệ thống điều hòa kết nối giữa các hồ để phòng chống hạn hán, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt và ổn định đời sống của nhân dân.
Bên cạnh việc ủng hộ sớm ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ cho các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó có Đề án về “Cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận”, đặc biệt, đồng chí yêu cầu trong thời gian tới luôn có sự trao đổi, phản hổi giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ ngành, trên cơ sở đó tháo gỡ những ách tắc,giúp Ninh Thuận kết nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đẩy mạnh phát triển về du lịch, nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Ngày 18/9/2016, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đoàn công tác trung ương có lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ, ngành trung ương: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; cán bộ cấp Vụ đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính và đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp về công tác tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 của cấp ủy các cấp trong Tỉnh trong thời gian qua.
Thanh Chung
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn