Tháng Tư, phượng đỏ rực sân trường, các thầy giáo ở nhiều huyện khác nhau trong tỉnh tề tựu về Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Hôm nay, họ gặp nhau không phải vì việc chuyên môn, công tác mà để ôn lại những ngày tháng hào hùng, gác lại trang giáo án để ra trận. Những thầy giáo già mái tóc đã bạc trắng, vội vã trao nhau những cái siết tay, những cái ôm thật chặt, rưng rưng gọi nhau bằng hai từ “đồng chí"!
Năm 1972, khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bước vào giai đoạn ác liệt, thực hiện lệnh tổng động viên, 80 thầy giáo, cán bộ giáo dục Nghệ An đã tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Năm 1971, khi công tác tại Cửa Lò thì bố ốm nặng, thầy Lê Xuân Bát (SN 1942) xin chuyển công tác về Trường cấp 2 Hưng Châu (Hưng Nguyên) để tiện chăm sóc, phụng dưỡng. Năm 1972, lệnh tổng động viên được ban bố, thầy Bát gửi gắm người cha già cho anh em, làng xóm để xung phong lên đường ra trận.
"Trước đó tôi có xung phong vào lính mấy lần nhưng vì quá tuổi nên không được chấp nhận. Năm 1972, có lệnh tổng động viên, tôi xung phong vào bộ đội, lúc đó cũng đã 30 tuổi rồi. Trước khí thế đấu tranh sôi sục của quân và dân ta, chúng tôi không nghĩ tới cái chết, chỉ nghĩ đến ngày mai đất nước thống nhất…”, thầy Bát hồi tưởng.
Cũng như thầy Bát, thầy giáo Vũ Quang Thâm (SN 1946), lúc đó đang là giáo viên Trường cấp 2 Nghĩa Long (Nghĩa Đàn, Nghệ An). Lời hiệu triệu của non sông đã thôi thúc thầy giáo trẻ lên đường tòng quân nhập ngũ.
“Tôi còn nhớ như in đó là một ngày đầu tháng 9/1972. Thời điểm đó, các trường đang chuẩn bị cho công tác khai giảng năm học mới. Khoác ba lô ra đi, cũng bồi hồi lắm, biết có ngày trở lại mái trường này nữa không? Chiến tranh mà, có người trở về, có người sẽ nằm lại trên chiến trường nhưng anh em chúng tôi đều tin tưởng về thắng lợi của dân tộc, về ngày trở về cầm phấn, đứng trên bục giảng với nghiệp “gõ đầu trẻ” đang dở dang”.
Những thầy giáo bàn tay vốn quen với bút, với phấn đã trải qua thời gian huấn luyện nghiêm ngặt để có mặt trong lực lượng pháo 37 ly, Quân khu 5 đánh địch ở nhiều chiến trường ác liệt nhất bấy giờ.
Sau những trận chiến, sau những làn khói thuốc súng tan hết là nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình, nhớ trường lớp, nhớ phấn trắng bảng đen đến quay quắt. Nhưng cũng chính nỗi nhớ đó đã tiếp thêm động lực cho những người lính – thầy giáo vượt qua mọi hiểm nguy, khó khăn để chiến đấu và chiến thắng quân thù.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, họ có mặt trong đoàn quân của Quân đoàn 4, tiến về Sài Gòn - những bước tiến thần tốc trên chặng đường cuối cùng trong sự nghiệp thống nhất nước nhà! Đến 13h30 ngày 30/4/1975, những người lính pháo binh ấy đã có mặt ở Dinh Độc lập, chứng kiến sự sụp đổ của thành lũy cuối cùng của chính quyền Việt Nam cộng hòa.
“Cờ giải phóng phấp phới bay trên nóc Dinh Độc lập, cả Sài Gòn rợp trời hoa chiến thắng. Chúng tôi vui cùng niềm vui của dân tộc, vui vì mình đã đóng góp một phần nhỏ cho thắng lợi này. Có mặt ở Sài Gòn vào thời khắc lịch sử vẻ vang của dân tộc, Đất nước hoàn toàn được thống nhất, không phải ai cũng có được niềm vinh dự, tự hào đó.
Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường như thầy Nguyễn Tiến Bộ, chuyên viên Toán Ty Giáo dục Nghệ An (nay là Sở GD&ĐT Nghệ An), thầy Nguyên Văn Cáp, giáo viên Trường cấp 2 Thanh Chương hi sinh ở Quảng Ngãi…”, nhà giáo Phạm Quý Hùng – Trưởng ban liên lạc Hội các thầy giáo Nghệ An nhập ngũ năm 1972 ngậm ngùi.
Chiến tranh kết thúc, có thầy giáo trở về với phấn trắng bảng đen, với những thế hệ học trò ở quê nhà. Có thầy giáo được phân công làm công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ, bộ đội trước khi quay trở về địa phương tiếp tục công tác. Những thầy giáo được thử lửa ở chiến trường khi trở về giảng dạy tiếp tục là những người thầy mẫu mực, người cán bộ quản lý giỏi.
Những người thầy gác giáo án ra trận, rửa sạch mùi thuốc súng quay về với bục giảng vẫn tận tâm, yêu đời, yêu nghề. Giờ đây, họ đã là lớp người “xưa nay hiếm", người còn, người mất, người có cuộc sống viên mãn, người vẫn bị di chứng chiến tranh hành hạ. Ngày gặp nhau ôn lại thời khắc hào hùng của dân tộc, những mái đầu bạc phơ vẫn ngân nga: “Lính Trường Sơn đã từng là nhà giáo/ Đánh giặc xong lại hát, lại làm thơ”!.
Nhân dịp này, Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, Công đoàn GD tỉnh Nghệ An đã có những phần quà chúc mừng, tri ân các thầy giáo nhập ngũ năm 1972 vì những đóng góp của các thầy trong công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và trong sự nghiệp trồng người.
GS. TS. Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An bày tỏ: “Chúng em được sinh ra, lớn lên, được giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng trong thời kỳ đất nước yên bình, chúng em tự thấy vô cùng biết ơn thế hệ cha ông, thế hệ thầy cô giáo gửi tuổi xuân ở chiến trường, một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Đó là những giá trị quý giá không có gì đo đếm và không gì có thể mua được. Chúng em mong các thầy cô giữ tinh thần người lính, người giáo viên tiếp tục đóng góp giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, tự hào dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước”.
Hoàng Lam
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn