Chuyển công tác quản lý trật tự xây dựng về quận-huyện
Sáng 13/7, HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục kỳ họp thứ 15 bằng phiên chất vấn tại hội trường. 2 cơ quan đăng đàn giải trình trước HĐND TP là ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng và ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải.
Tại phiên chất vấn, vấn đề xây dựng không phép, sai phép tiếp tục là đề tài nóng mà nhiều đại biểu đề cập đến. Các đại biểu thắc mắc vì sao cơ quan nhà nước có mặt ở đủ các cấp mà để tình trạng này diễn ra rầm rộ như vậy? Đại biểu Nguyễn Thị Cẩm chất vấn Sở Xây dựng khi nào triển khai đề án thí điểm quản lý trật tự xây dựng tại địa phương?
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình thừa nhận một phần nguyên nhân là do lực lượng kiểm tra chưa tốt. Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, tình trạng xây dựng không phép, sai phép gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm, TP đã ban hành hơn 4.700 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hơn 1.100 trường hợp vi phạm (tăng 37,6% so với cùng kỳ).
Ông Lê Hòa Bình cũng cho biết, trong thời gian tới Sở sẽ khắc phục bằng cơ chế phối hợp giữa các cấp tốt hơn để giám sát chặt chẽ hơn các sai phạm trong xây dựng. Hiện đề án thí điểm quản lý trật tự xây dựng tại địa phương và báo cáo UBND TP, trong tháng này sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về việc chuyển các đội Thanh tra Xây dựng thuộc Thanh tra Sở Xây dựng thành Đội Trật tự xây dựng trực thuộc UBND các quận-huyện. Tuy nhiên, việc này phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nên khả năng quý 3 mới triển khai được.
Bổ sung thêm phần trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết tình hình sai phạm trong xây dựng diễn biến phức tạp có 2 nguyên nhân: phát hiện chưa kịp thời và khi phát hiện thì xử lý chưa tốt
Thứ nhất là do xưa nay công trình cấp nào cấp phép thì cấp đó giám sát. Cán bộ đi ngang qua không biết là dự án do ai cấp phép nên không biết là hợp pháp không. Ông nói: “Nói nôm na là tù mù, phát hiện chưa kịp thời. Chúng ta phải nghiên cứu mô hình liên kết để mọi công chức địa chính địa phương đều biết thông tin các dự án đang triển khai, đều tham gia được công tác kiểm tra, giám sát”.
Nguyên nhân thứ 2, theo ông Hoan là do cơ quan chức năng xử lý chưa tốt khi phát hiện sai phạm: “Nếu xảy ra ở dự án quận - huyện quản lý thì nhanh rồi; nhưng dự án liên quan nhiều sở-ngành thì khó, quy chế phối hợp rất chậm, mà chậm 1 ngày là diễn biến khác hẳn, rất khó xử lý”.
Làm sao để dân có nhà ở mới là căn cơ!
Nói thêm về vấn đề sai phạm trật tự xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trăn trở: “Để giải quyết vấn đề, cần nhận diện chính xác về xây dựng trái phép, không phép trên địa bàn thành phố!”.
Theo ông, người dân đại đa số chấp hành tốt quy định pháp luật xây dựng, chỉ có 2 nhóm trong quá trình mua bán đất đai cố tình vi phạm. Thứ nhất là nhóm không có giấy tờ nhà đất nên không ra xin giấy phép xây dựng được. Thứ 2 là nhóm không có dự án nên không thể làm theo thủ tục đúng quy trình xin phép xây dựng.
Mà để dẫn đến 2 trường hợp trên thì các mảnh đất này đều xuất phát từ các nhóm cò đất, môi giới nhà đất (cò đất có tổ chức thành cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp) tổ chức đi lùng mua đất trong khu quy hoạch rồi phân lô, bán lại cho người dân với giá rẻ.
Ông Võ Văn Hoan cho rằng: “Chúng ta không nên ghép chung tình hình sai phạm xây dựng là do người dân, như vậy là không hiểu đúng bản chất vấn đề. Ở đây là 1 nhóm "đầu nậu" cố tình vi phạm pháp luật đất đai, khi bị phát hiện thì cố tình lôi kéo người dân vào phản đối, đưa người dân lương thiện của chúng ta vào thế đối đầu với nhà nước. Phải xử lý nghiêm minh nhóm "đầu nậu" này, không thể để họ tự tung tự tác được!”.
“Ở đây, người dân bị kéo vào và là nạn nhân. Còn "đầu nậu", "cò mồi" mới là cầm đầu. Chính quyền địa phương biết không? Xin thưa là biết hết. Chúng ta cần phải nhìn trúng để có giải pháp đúng, để giải quyết các đối tượng đó, xử lý nghiêm thì mới dẹp được!”, ông Hoan cho biết thêm.
Trước thông tin của Phó Chủ tịch UBND TP, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn: “Như đồng chí Phó Chủ tịch đã nói, chính quyền địa phương biết như vậy. Nếu biết thì chúng ta xử lý như thế nào? Nếu biết sao không xử lý?”.
“Người dân xây dựng không phép thì cưỡng chế là đúng rồi, nhưng về trách nhiệm quản lý thì day dứt lắm! Tại sao không xử lý "đầu nậu", đầu cơ ngay từ đầu mà để giờ đây phải xử lý bằng cách đau lòng nhất là tháo dỡ nhà của người dân nghèo? Đừng để người dân nghèo dành dụm cả đời mua được cái nhà giờ bị cưỡng chế!”, bà Tâm quyết liệt.
Đại biểu Quyết Tâm chia sẻ quan điểm: “Xây dựng không phép, sai phép là sai. Nhưng ẩn đằng sau đó là vấn đề nhà ở cho người dân, đặc biệt người nghèo. Thành phố nói nhiều về nhà ở xã hội nhưng chưa thấy đâu. Cần xem lại là chúng ta cần có chính sách hỗ trợ gì, cần xây bao nhiêu căn hộ để đáp ứng chỗ ở cho người nghèo. Đây mới là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề sai phạm trật tự xây dựng. Bởi nhu cầu nhà ở là nhu cầu có thực, nhu cầu chính đáng của người dân và được hiến pháp thừa nhận”.
Bài: Tùng Nguyên - Quốc Anh
Ảnh: Phạm Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn