Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội nếu không kiểm soát kê khai tài sản được thì luật mới hay luật cũ cũng thế, chẳng có tác dụng gì. Ngay cả đánh thuế 45% hay mở rộng ra cũng thế, vì không kiểm soát được kê khai tài sản.
Vấn đề cán bộ kê khai tài sản không trung thực được ông Nguyễn Hạnh Phúc cho là do cơ chế kiểm soát, kê khai cũng thế, không kê khai cũng thế.
“Báo chí nói cán bộ không nghèo, nhưng kê khai thì phải nghèo. Đầu nhiệm kỳ phê chuẩn bổ nhiệm, một loạt tập hồ sơ thế này đọc thấy rất nghèo, nhiều khi so tài sản đồng chí lãnh đạo nước ngoài thấy quá nghèo, nhà đi thuê, không có tài sản gì cả”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Từ những phân tích trên, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, mấu chốt ở đây vẫn là cơ quan xác minh tài sản không chịu áp lực nào. Do vậy, theo ông Phúc, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này cần phải bàn kỹ, nếu không thấu đáo mà vẫn được thông qua thì dân lại mất niềm tin.
Về đối tượng kê khai tài sản, đại biểu Hoàng Thanh Tùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đây là nội dung còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình 2 phương án nhưng cũng có những ý kiến đề nghị mở rộng thêm ra tất cả cán bộ công chức, viên chức từ cấp phó phòng trở lên đều phải kê khai tài sản; lại có ý kiến ngược lại đề nghị thu hẹp đối tượng phải kê khai, chỉ tập trung vào những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao hoặc những cán bộ trong diện được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm….
Qua tham khảo ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho thấy, cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, chủ yếu xuất phát ở việc nếu đối tượng kê khai rộng quá thì khó xác minh, thẩm tra đảm bảo tính xác thực của bản kê khai. Theo ông Tùng, nếu vẫn tình trạng kê khai xong cất ngăn kéo thì mở rộng đối tượng kê khai ra cũng không để làm gì.
Cách tiếp cận hiện nay của Chính phủ khi trình ra kỳ họp thứ 5 này là đề xuất chọn phương án 1, tức phương án mở rộng đối tượng kê khai tài sản và cho rằng phương án này phù hợp với chủ trương của Đảng. Gắn với việc mở rộng đối tượng kê khai là các giải pháp xử lý, xác minh, thẩm tra bản kê khai tài sản đó.
Đại biểu Tùng cho rằng, cách tiếp cận như phương án trên là hợp lý. Hiện nay, phương án này có các ưu điểm như: cách thức xử lý bản kê khai và tài sản kê khai có sự phân tầng, tức đối với mọi cán bộ công chức và viên chức từ phó phòng trở lên đều phải kê khai tài sản khi được bổ nhiệm lần đầu.
Nhưng việc kê khai này chỉ phục vụ mục đích làm cơ sở dữ liệu, để có đầy đủ thông tin và khi có vấn đề, tức khi tài sản có sự tăng lên đột biến (từ 300 triệu đồng trở lên) hoặc khi có đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến tài sản của đối tượng kê khai thì mới tiến hành xác minh chứ không phải tất cả mọi đối tượng kê khai đều xử lý như nhau.
Còn đối với những đối tượng phải kê khai tài sản hàng năm thì lại thu hẹp lại so với hiện nay. Dự thảo luật quy định chỉ những đối tượng là Giám đốc Sở trở lên và những đối tượng làm công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý tài sản, tài chính công… thì mới phải kê khai tài sản hàng năm vì đây được coi là những đối tượng nguy cơ cao. Cách thức kiểm soát bản kê khai này cũng đầy đủ hơn so với các đối tượng phân tầng ở trên.
“Tôi cho rằng cách phân tầng ra như thế cũng có sự hợp lý để vừa kiểm soát được tài sản thu nhập rộng của tất cả đối tượng cán bộ công chức, những người làm trong bộ máy nhà nước có liên quan đến sử dụng tài sản công, vừa tập trung được vào kiểm soát chặt chẽ hơn với các đối tượng có nguy cơ”, đại biểu Tùng phân tích.
Đại biểu Tùng cũng băn khoăn với quy định nếu thu nhập tăng đột biến từ 300 triệu đồng trở lên thì mới tiến hành xác minh, kiểm tra bản kê khai tài sản. Theo đại biểu, căn cứ vào đâu đưa ra ngưỡng 300 triệu đồng như vậy?
“300 triệu đồng đối với thu nhập của cán bộ công chức là rất lớn. Nếu tính lương của cán bộ công chức khoảng 10-12 triệu đồng/tháng đi nữa thì 300 triệu đồng vẫn là một khoản thu nhập cực kỳ lớn. Tại sao không quy định là 50 triệu mà lại là 300 triệu, tôi thấy Chính phủ giải trình chưa thuyết phục, cần làm rõ”, đại biểu Tùng băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên băn khoăn với quy định đánh thuế 45% với tài sản không giải trình rõ nguồn gốc. Bởi đại biểu không hiểu căn cứ vào đâu đưa ra con số 45% và tại sao không tính như thuế thu nhập cá nhân? Còn khi đã chứng minh được tài sản đó do tham nhũng mà có thì cứ dựa theo luật mà thu.
Tác giả: Quang Phong – Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn