Chiến thắng tạo bước ngoặt lịch sử
Ngày 9/7, tại TP Vinh, Nghệ An, Bộ Quốc Phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh 1968 tầm vóc và bài học lịch sử”. Sau 50 năm đây là dịp để đánh giá toàn diện chiến thắng mang tính chiến lược, quyết định cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vào thời điểm đó. Hội thảo đã nhận được 70 bài tham luận của đại biểu trên cả nước.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại những ngày tháng khốc liệt tại chiến trường Đường 9 - Khe Sanh.
Hội thảo nêu bật một số vấn đề về vai trò lãnh đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, tinh thần chủ động, sáng tạo của các cơ quan trong chỉ đạo, điều hành chiến dịch; tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của các lực lượng tham gia chiến dịch. Đồng thời, nêu bật tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, sự phát triển của nghệ thuật quân sự, những nhân tố chủ yếu làm nên Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968.
Năm 1968, mặt trận Đường 9 - Khe Sanh thực hiện nhiệm vụ thu hút, giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của địch, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho toàn miền Nam thực hiện đòn chiến lược tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Đây cũng là chiến trường mà phía Mỹ tập trung quân số lớn với các vũ khí, khí tài hiện đại, với âm mưu cắt đứt tuyến chi viện Bắc – Nam của ta.
Từ đêm 20/1/1968, quân và dân ta tổ chức tiến công tập đoàn phòng ngự Đường 9 – Khe Sanh buộc địch phải tăng cường lực lượng cơ động tinh nhuệ để đối phó. Trải qua hơn hơn 170 ngày đêm chiến đấu quyết liệt chiến dịch đã kết thúc thắng lợi với việc phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược đường 9, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch, giải phóng huyện Hướng Hóa, Quảng Trị; đồng thời giữ vững tuyến đường chi viện Bắc – Nam tạo điều kiện cho hướng tiến công chiến lược chủ yếu đánh vào các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam.
Đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, quân và dân ta tổ chức mở chiến dịch hiệp đồng quân binh chủng, đột phá trực tiếp vào tuyến phòng thủ mạnh của Mỹ, đánh bại các sư đoàn thủy quân lục chiến tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại.
Đại đội phó tự cắt chân mình tiếp tục chỉ huy đồng đội
Tham dự Hội thảo có Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy người trực tiếp tham gia xuyên suốt chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh. Dù đã bước qua tuổi 89 nhưng những tháng ngày chiến đấu ác liệt tại chiến trường Đường 9 – Khe Sanh vẫn như còn in đậm trong trí nhớ của ông.
Bước vào chiến dịch, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy khi đó giữ cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư 304. Đến giữa chiến dịch ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 9. Ngày 8/2/1968, Trung đoàn 9, Sư 304 được lệnh vây lấn cụm cứ điểm Tà Cơn. Tuy nhiên trước đó, trên đường vào, Tiểu đoàn 2 và một phần của Trung đoàn 9 bị địch dội bom ác liệt khiến nhiều chiến sĩ, cán bộ hi sinh. Thời điểm đó, có ý kiến cần phải đưa Tiểu đoàn 2 ra phía sau để củng cố, tuy nhiên Đảng ủy Trung đoàn 9 đã quyết định bổ sung thêm quân số, vũ khí trang bị tại chỗ tiếp tục chiến đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bản thân Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy chỉ huy tiểu đoàn 3 vào thay vị trí của Tiểu đoàn 1 chốt chặn tại phía Đông Nam sân bay Tà Cơn với nhiệm vụ chính là tiêu diệt quân địch cơ động, đào hai đường hào đánh chiếm một đoạn chiến hào của địch. Cuộc chiến tại đây diễn ra vô cùng khốc liệt, trước hỏa lực mạnh của địch cùng với sự yểm trợ của xe tăng, xe bọc thép đã nhiều lần khiến cho Tiểu đoàn của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy gặp khó.
Tại vị trí chiến đấu của Trung đoàn 9, sau 2 tháng bị bao vây, hàng ngàn quân địch rơi vào tình cảnh khốn đốn vì thương vong và bị cắt đứt nguồn tiếp tế. Sau đó Sư đoàn kỵ binh đường không số 1 của Mỹ được điều đến giải nguy cho Khe Sanh. Nắm được ý định quân địch sẽ rút lui theo đường 9 về Đông Hà – Quảng Trị, Bộ tư lệnh và Sư đoàn 304 lệnh cho Tiểu đoàn 3 của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy tổ chức thêm một chốt chặn tại Làng Khoai, nơi có đường 9 độc đạo dẫn từ Khe Sanh về Đông Hà, Quảng Trị.
“Tôi tập trung lực lượng Tiểu đoàn 3 cùng với 1 đại đội công binh tăng cường xây dựng trận địa, đồng thời bổ sung lực lượng cho chốt tại Làng Khoai. Chốt chặn này có khoảng 40 chiến sĩ do đồng chí Bùi Gia Ngoãn – Đại đội phó và đồng chí Nguyễn Văn Bình – Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 3 chỉ huy. Địch đã dùng không quân và pháo binh bắn phá dữ dội vào chốt chặn này từ ngày 3/4/1968. Ngày 4/4, 1 Tiểu đoàn kỵ binh không vận của Mỹ được điều đến chia làm 2 mũi tấn công vào chốt chặn tại Làng Khoai. Khi đó đồng chí Đại đội phó Bùi Gia Ngoãn bị thương ở chân đã dùng dao găm tự cắt chân mình để tiếp tục chỉ huy anh em chiến đấu trước các đợt tấn công của địch”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại.
Chỉ trong ngày 4/4, chốt chặn số 3 tại Làng Khoai đã bẻ gãy 7 đợt tấn công của địch hòng mở đường rút lui từ Khe Sanh về Đông Hà. Đại đội phó Bùi Gia Ngoãn bị thương ở chân trong đợt tấn công thứ 5 của địch. Đồng đội muốn đưa anh về tuyến sau để điều trị nhưng anh nhất quyết không rời vị trí, sau đó anh đã tự dùng dao găm cắt rời phần chân bị thương quá nặng của mình và băng bó lại để chỉ huy các đồng chí giữ vững vị trí chiến đấu. Sau đó, Đại đội phó Bùi Gia Ngoãn đã anh dũng hi sinh.
Đại đội phó Bùi Gia Ngoãn cũng là một trong những tấm gương anh dũng chiến đấu làm nên chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh, thay đổi hoàn toàn cục diện trên chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Những năm tháng khói lửa đã đi qua, nhưng những hình ảnh anh dũng về ý chí chiến đấu quật cường trên chiến trường Đường 9 – Khe Sanh vẫn còn đọng mãi trong trí nhớ vị tướng đã gần 90 tuổi.
Tác giả: Nguyễn Phê
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn