Phó Chủ tịch Quốc hội là người góp ý kiến về cả vấn đề cơ chế chính sách, cơ chế tổ chức, quản lý với các đặc khu kinh tế khi UB Thường vụ Quốc hội thảo luật về luật Hành chính – Kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) ngày 11/9.
“Nhốt” quyền lực các Trưởng đặc khu
Trưởng Đơn vị HCKTĐB, các cơ quan khác của Nhà nước ở đơn vị HCKTĐB chịu sự giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh và của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao tại đơn vị HCKTĐB.
Thẩm tra nội dung dự thảo luật Hành chính – Kinh tế đặc biệt, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định băn khoăn nhiều về quy định trách nhiệm của người đứng đầu các đặc khu kinh tế. Theo mô hình đề xuất, các đặc khu kinh tế không tổ chức cấp chính quyền địa phương, Trưởng đặc khu có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ông Định cho biết, trong quá trình thẩm tra sơ bộ dự thảo luật, có ý kiến đồng tình với quy định như dự thảo, tuy nhiên có nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về tính hợp hiến của việc này. Hơn nữa, việc tập trung nhiều quyền lực cho chức danh Trưởng đặc khu nhưng không có cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp, tại chỗ mà thực hiện giám sát từ trên xuống sẽ không tránh khỏi hình thức, dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, mất dân chủ.
“Nếu dự thảo luật chỉ quy định vượt trội về giao thẩm quyền mà không vượt trội về cơ chế giám sát, không làm rõ được phương thức thực thi quyền lực của người giữ chức danh này là không bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, cũng như chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp về kiểm soát quyền lực“ – báo cáo thẩm tra sơ bộ nêu rõ.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt nêu quan điểm đồng tình với phương án của Chính phủ là nên trao quyền cho Trưởng đặc khu nhưng quy định rõ người này được làm gì, không được làm gì, trách nhiệm ra sao.
Nếu vẫn tổ chức bộ máy đầy đủ, không có cải tiến, cải tổ gì thì đặc khu cũng “không có gì đặc biệt” nhưng luật cũng phải giải quyết được 7 vấn đề mà bộ máy hiện nay đang vấp váp, thì mới có thể tạo ra được đột phá khác biệt.
Cụ thể, theo tướng Võ Trọng Việt, những vấn đề đó là sự trì trệ, “công thì của tôi mà tội là tập thể”; trách nhiệm người đứng đầu không rõ, cái được giao không làm, cái không thuộc thẩm quyền thì lại làm, cơ chế kiểm soát quyền lực kém, nên có những nơi “một bàn tay che cả bầu trời”…
Tồn tại thứ 3, theo ông là cơ chế bình quân chủ nghĩa, “giỏi như dốt, dốt như giỏi”; thứ tư là bộ máy đông nhưng không mạnh, đủ các ban bệ nhưng tiêu cực chủ yếu là báo chí và nhân dân phát hiện; thứ năm là việc để mất thời cơ và cơ hội quá nhiều...
“Tránh trước nói thì hay nhưng cũng là cơ chế, bộ máy, lề lối, phương pháp, con người ấy thì làm sao thay đổi. Thay vỏ phải thay ruột thì mới được” – ông Võ Trọng Việt nói.
Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ủng hộ việc tổ chức bộ máy tại đặc khu một cách gọn nhẹ, một người có thể được trao quyền rất lớn nhưng việc kiểm soát quyền lực cũng phải đặc biệt để buộc người đó hành động vì lợi ích quốc gia chứ không thể lồng lợi ích cá nhân vào.
Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý, cơ chế xây dựng phải như Tổng Bí thư nói, làm sao “nhốt” quyền lực trong lồng luật pháp để quản lý.
Phú Quốc, Vân Đồn có cạnh tranh nổi với Singapore, Hồng Kông?
Nói về cơ chế ưu đãi đối với các đặc khu kinh tế, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, dự thảo đưa ra thì nhiều nhưng chủ yếu mới là về thuế trong khi muốn vượt trội thì không thể chỉ dựa vào ưu đãi thuế.
“Tôi rất lo về tính cạnh tranh của 3 đặc khu kinh tế dự kiến (Vân Đồn – Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – Khánh Hoà và Phú Quốc – Kiên Giang) so với khu vực. Trên thế giới, mô hình đặc khu rất nhiều, nhưng có nơi thành công, nơi thất bại. Đơn cử, đặc khu Subic của Philippines là không thành công, vì chỉ có điều kiện thuận lợi mà không có đối tác bên ngoài. Còn các đặc khu của Trung Quốc thành công là do họ mở nút thắt để đón dòng vốn vào. Đặc khu Chu Hải đối diện với Thẩm Quyến, đặc khu Hạ Môn thì đối diện với Đài Loan, nên họ mở cửa để kéo dòng vốn và dòng công nghệ vào…” – ông Hải phân tích.
Ông Hải phân tích, với đảo Phú Quốc, mở tối đa theo hướng làm du dịch thì cũng sẽ chỉ ngang với Jeju của Hàn Quốc thôi chứ chưa thể trở thành một trung tâm công nghệ, tài chính như Singapore. Muốn có đặc khu như một trung tâm tài chính quốc tế, ông Hải cho rằng, phải đặt vấn đề có cạnh tranh được với Singapore và Hong Kong hay không?.
Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách lo ngại với quy mô các đặc khu dự kiến xây dựng, tính lan tỏa sẽ không được như kỳ vọng, cần phải có đề án phát triển 3 khu vực này gắn với phát triển công nghệ, chứ nếu chỉ làm du lịch thì khá giới hạn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng các ưu đãi đưa ra mới chỉ là nhìn nhận theo cách cũ, ưu đãi kiểu “miễn, giảm, giãn” là tư duy cách đây đã 30 năm.
Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, cần có chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh, nhập cư. Ở những đặc khu dự kiến cũng phải đồng ý cho kinh doanh một số ngành nghề mà nơi khác không thể có, ví dụ kinh doanh sòng bạc – casino, thậm chí phải có khu phố vui chơi “đèn xanh, đèn đỏ”. Cuộc sống có những đòi hỏi thực tế như thế, phải “thuận” theo và tính hướng quản lý phù hợp.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn