Ba nơi giàu tiềm năng nhất nước
Thưa ông, vào thời điểm dự án Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt đang được thảo luận tại Quốc hội, có một số ý kiến đặt vấn đề, tại sao không làm đặc khu kinh tế tại hai thành phố lớn Hà Nội, TPHCM để làm đầu tàu kéo phát triển cả nền kinh tế mà lại chọn những nơi như Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ngay các đặc khu kinh tế thành công nhất của Trung Quốc cũng đâu phải đặt ở Bắc Kinh hay ở những thành phố lớn đâu. Ví dụ, đặc khu Sán Đầu, Chu Hải, Thâm Quyến đều không phải ở thành phố. Vậy nên, chọn vị trí xây đặc khu ở đâu là phải dựa trên việc so sánh lợi thế của từng khu vực, vùng miền, sao cho phù hợp với chiến lược phát triển của từng quốc gia.
TS.Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội
Vậy theo ông, đâu là điểm nổi trội, lợi thế về vị trí của ba đặc khu được dự kiến xây dựng?
Trước hết phải thấy rằng, đây là những vùng có tiềm năng phát triển nhất đất nước. Bản thân các địa phương này đều là nơi nộp ngân sách lớn. Nếu có lập mô hình đặc khu tại đây thì việc phân định địa giới hành chính cũng tương đối thuận tiện.
Sau nữa, xây dựng ba đặc khu phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Mỗi đặc khu có một lợi thế khác nhau và chúng ta ủng hộ việc họ tìm nhà đầu tư chiến lược. Những nơi này hiện có các ngành nghề rất đặc trưng. Ví dụ, Vân Đồn với Phú Quốc có sự giao thoa về du lịch nhưng vẫn có sự khác nhau nhất định, Vân Đồn thiên về du lịch giải trí còn Phú Quốc mạnh về du lịch nghỉ dưỡng biển.
Với lợi thế sân bay thì Phú Quốc có thể chuyển thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển cũng như trung tâm tài chính của khu vực. Đảo Ngọc chỉ có nhược điểm là quá gần Singapore, nên nếu muốn trở thành trung tâm tài chính thì buộc phải cạnh tranh khốc liệt với Singapore. Vậy nên Phú Quốc phải có định hướng chiến lược vừa có du lịch nghỉ dưỡng vừa có định hướng làm trung tâm tài chính nhưng phần tài chính ở đây được khoanh lại trong phạm vi để hỗ trợ cho resort và các dịch vụ vui chơi giải trí.
Còn Vân Đồn thì sao thưa ông?
Hiện ở Vân Đồn chúng ta đã thu hút được lượng đầu tư rất lớn, xây sân bay Vân Đồn, làm tuyến đường cao tốc nối tiếp với quốc lộ 5 từ Hải Phòng đi Vân Đồn. Như vậy, việc huy động vốn xây cơ sở hạ tầng là điều có thể làm được. Vấn đề đặt ra là định hướng phát triển Vân Đồn như thế nào.
Cứ lấy bài học của Singapore, một quốc gia đất rất chật, dân số chưa bằng một tỉnh lớn như Thanh Hoá của ta, diện tích chỉ tương đương với Phú Quốc nhưng họ có tiềm năng dịch vụ rất tốt. Trước đây, nói đến Singapore là nói đến dịch vụ tài chính nhưng đến nay ở trong khu vực Nam Á, nhắc tới Singapore là nói đến một địa điểm du lịch, giải trí. Trong vòng 4 năm trở lại đây, Marina Sand Bay là cụm phức hợp du lịch giải trí của Singapore được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD.
Như vậy là Singapore đã tạo ra sức hấp dẫn riêng của mình trong lúc đảo quốc này nằm lọt giữa các quốc gia Đạo Hồi, một bên là Malaysia, một bên là Indonesia. Họ đã tìm được một con đường đi riêng để phát triển và chúng ta đều có thể học hỏi, phát triển theo mô hình ấy được.
Không quá lo lắng vì đi sau
Theo ông, đâu là mấu chốt để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước? Các ưu đãi đơn thuần hay thể chế vượt trội, môi trường cạnh tranh quốc tế?
Nói về thể chế vượt trội, chúng ta đều thấy trong 7 - 8 năm trở lại đây, cải cách thủ tục hành chính là vấn đề được Chính phủ rất quan tâm. Đặc biệt trong nhiệm kỳ Quốc hội và Chính phủ khóa XIV này, yêu cầu về tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đang được chú trọng, thì với câu chuyện thể chế vượt trội tại đặc khu, chúng ta cũng đừng hiểu là phải giảm tối đa thuế, phải ưu đãi lớn về đất đai, tài nguyên....
Vấn đề chính là cần tạo sự thông thoáng nhất cho doanh nghiệp và trao đủ thẩm quyền cho người phụ trách đặc khu để tự quyết định đón nhà đầu tư nào, không đón nhà đầu tư nào, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư theo trình tự ưu đãi trên cơ sở chiến lược phát triển đặc khu mà chúng ta phê duyệt.
Nói vậy, những người kỳ vọng rằng luật đặc khu có thể tạo ra đột phá hơn nữa có lẽ sẽ thấy buồn vì nó không đột phá như mong muốn. Chúng ta chưa có tư duy thực sự đột phá mà vẫn coi đặc khu kinh tế như một đơn vị hành chính cấp huyện. Việc này, về mặt lý luận tổ chức nhà nước là có vấn đề.
Mô hình như vậy, giải thích theo Hiến pháp là đúng. Đã là một cấp chính quyền thì cần có HĐND khi có rất nhiều chức năng nhiệm vụ mà Thủ tướng giao trực tiếp cho ông Chủ tịch UBND đặc khu, thậm chí là còn vượt qua Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng như vậy mà ông Trưởng đặc khu lại chỉ tương đương với ông Chủ tịch huyện thì cũng có những hạn chế nhất định.
Một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã làm đặc khu đến đời thứ 3, thứ 4 rồi mà Việt Nam vẫn loay hoay đi tìm mô hình đặc khu đầu tiên. Ông có chia sẻ với sự sốt ruột như vậy?
Ngay từ những năm 1998 - 1999, Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu xây dựng đặc khu. Thời điểm đó chúng ta chọn Quảng Ngãi với khu kinh tế mở Chu Lai, chọn Hải Phòng với Đồ Sơn và cụm cảng quốc tế Lạch Huyện, và Phú Quốc. Đến giờ, chúng ta lại chuyển sang Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Vân Đồn.
Rõ ràng, đã có sự thay đổi về vị trí, mục tiêu, cách tổ chức thực hiện khi chúng ta đi trễ hơn các nước. Nhưng cũng không nên quá lo lắng là đi sau thì chúng ta không còn gì để phát triển nữa.
Hãy nhìn sang Singapore, bản thân Singapore đã là một đặc khu kinh tế, vậy mà họ vẫn còn mở một khu kinh tế đặc biệt để phục vụ cho giải trí. Hoặc như Thâm Quyến cũng vậy, đến nay, người ta còn mở đặc khu trong lòng đặc khu. Vậy thì có thể nói là vẫn luôn còn “đất” cho phát triển, vẫn còn nhiều còn khoảng trống pháp lý, khoảng thị trường có thể bổ sung vào đấy được.
Xin cảm ơn ông!
N.S
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn