Chiều 16/5, báo cáo UB Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV của các đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành, Ban Dân nguyện đã tổng hợp và chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 3.320 kiến nghị của cử tri.
Giải quyết kiến nghị cử tri, giảm phí tại 41 trạm BOT trong 2017
Với phần của Chính phủ, bà Hải đánh giá, dù số lượng kiến nghị cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành là rất lớn (3.119 kiến nghị so với chỉ 856 kiến nghị của kỳ trước), nhưng Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã rất nỗ lực, tích cực trong việc nghiên cứu, tiếp thu và chỉ đạo giải quyết, trả lời cử tri. Kết quả là toàn bộ 3.119 kiến nghị được trả lời, 94 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành ngay trong thời gian giữa hai kỳ họp thứ 2 và thứ 3 của Quốc hội để kịp thời giải quyết những vấn đề mà cử tri tại nhiều địa phương quan tâm.
Theo đó, có nhiều kiến nghị đã được giải quyết xong dưới hình thức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, từ lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm tới thu hồi đền bù đất đai tại một số dự án khu công nghiệp, việc đầu tư kém hiệu quả tại một số dự án lớn của nhà nước, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…
Trưởng Ban Dân nguyện dẫn chứng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của 3 đơn vị có hành vi cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài núp bóng hoạt động kinh doanh lữ hành; đề nghị công an xem xét trục xuất, hạn chế nhập cảnh đối với 66 trường hợp người Trung Quốc vào Việt Nam hoạt động du lịch trái phép…
Bộ Nội vụ đã thực hiện 34 cuộc thanh tra liên quan đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tại 12 bộ, ngành và 22 tỉnh, thành phố, qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm như: bổ nhiệm cán bộ khi chưa được quy hoạch, chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện về độ tuổi, trình độ lý luận chính trị, không đúng chuyên môn, thiếu kê khai tài sản.
Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiều giải pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong năm 2016 đã tiến hành thẩm định an toàn giao thông đối với 40 dự án, công trình giao thông đường bộ trước khi khai thác; rà soát, xử lý 238 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Về kiểm tra, kiểm soát hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT, Bộ Giao thông vận tải đã tăng cường các biện pháp theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra tại các trạm thu phí do Bộ quản lý; yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng các giải pháp, bảo đảm minh bạch, chống thất thoát, gian lận trong việc thu phí. Đến nay, ngành đã giảm được 29 trạm thu phí.
Chính phủ cũng đồng thời chỉ đạo Bộ giao thông vận tải sớm có báo cáo phương án giảm phí BOT ngay trong năm 2017 với 41 trạm BOT đã quyết toán. Quan tâm ưu tiên tới việc giảm mức phí thu hơn là giảm thời gian thu.
Trả lời cử tri kiểu… cho xong trách nhiệm
Dù vậy, Ban Dân nguyện cũng chỉ ra những hạn chế của Chính phủ trong việc giải quyết các kiến nghị cử tri mà chậm được khắc phục. Điều đó dẫn đến một thực trạng đó là mặc dù số kiến nghị được trả lời là rất lớn nhưng chất lượng của việc trả lời chưa cao. Tới 68% kiến nghị được trả lời chỉ dừng ở việc cung cấp thông tin. Cá biệt, có văn bản trả lời cho xong trách nhiệm nên nội dung trả lời còn chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu, chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Bà Hải nêu ví dụ cụ thể, cử tri kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm nghiên cứu xây dựng đê bao ngăn mặn khép kín cho các tuyến đê tại các huyện Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, Bộ lại trả lời “hệ thống đê biển, đê cửa sông thuộc huyện Trần Đề hàng năm đều được Chính phủ bố trí kinh phí...”.
Trả lời như thế, theo bà Hải, chưa đúng với nội dung mà cử tri nêu, cụ thể cử tri kiến nghị xây dựng đê bao tại huyện Kế Sách thì Bộ trả lời tại huyện Trần Đề.
Có những kiến nghị thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành nhưng do việc trả lời cử tri chưa thấu đáo nên cử tri không đồng tình với kết quả trả lời lại tiếp tục có kiến nghị tại nhiều kỳ tiếp xúc cử tri tiếp theo, như trả lời của Bộ Giao thông vận tải về thực hiện dự án cao tốc đoạn Bắc Giang – Lạng Sơn và dự án nâng cấp QL4 đoạn nối Hà Giang đi Lào Cai (thi công dở dang từ năm 2009).
Dẫn chứng khác được nêu ra là trả lời của Bộ Nội vụ về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách; về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ…
Với 133 kiến nghị còn chưa được giải quyết dứt điểm, Ban Dân nguyện nêu rõ những bộ còn để tồn đọng nhiều như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (32 kiến nghị), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (20 kiến nghị), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (17 kiến nghị)…
Đặc biệt, có những kiến nghị mà cử tri kiến nghị từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII (tháng 10/2014) tới nay vẫn chưa được giải quyết và cũng không có báo cáo gì thêm với cử tri về việc có tiếp tục giải quyết nữa hay không? Lộ trình giải quyết như thế nào?
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn