Chuẩn bị kịch bản “giải cứu” nền kinh tế nếu Covid-19 kéo dài quá quý II

Thứ bảy - 04/04/2020 12:32
(Dân trí) - Các nhà khoa học cho rằng, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý II/2020 thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”, nếu kéo dài hơn nữa thì cần các biện pháp mang tính “giải cứu”. >>

Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách được thực hiện bởi các chuyên gia, nhà khoa học của Đại học Kinh tế quốc dân vừa hoàn thành, gửi tới Chính phủ với nhiều thông tin về các kịch bản ứng khó khác nhau với mỗi hướng diễn biến của dịch bệnh.

Chuẩn bị kịch bản “giải cứu” nền kinh tế nếu Covid-19 kéo dài quá quý II

Trợ cấp phải đủ duy trì cuộc sống tối thiểu

Quan điểm được nhấn mạnh trong báo cáo là, kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn xuất phát từ một nguyên nhân phi kinh tế. Trong bối cảnh này, các chính sách điều hành vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng tới sức đề kháng (khả năng chịu đựng) của nền kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đặc biệt, chúng sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không một khi bệnh dịch được kiểm soát.

Theo các chuyên gia, tính chất của đại dịch Covid-19 lần này cho thấy việc dự báo tác động đến nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong thời gian bao lâu là rất khó.

Mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp cách ly xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch nếu được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu nó vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác. Điều này đòi hỏi phải xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới.

Về những chính sách hỗ trợ, bản khuyến nghị nêu rõ, đối với những người lao động mất việc kéo dài, có thể tạm thời kéo dài thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Các hộ gia đình mất thu nhập lâu dài không có khả năng thích ứng cần được trợ cấp đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu. Cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng lao động tự do không thuộc diện bao phủ của bảo hiểm.

Đối với doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng thì chính sách tiền tệ cần nới lỏng các điều kiện tín dụng, hoãn chi trả nợ, miễn lãi, giảm lãi, cho phép tái cơ cấu lại nợ để cải thiện tính thanh khoản và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cho tới khi qua được khó khăn.

Ngoài ra, chính sách tài khóa cần tính đến hoãn thuế phí, miễn giảm thuế phí, hoãn hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội.

Giai đoạn này nên ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này.

Các chuyên gia cũng cho rằng cần có những hỗ trợ pháp lý trong tranh chấp đối với hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và người lao động. Tranh chấp hợp đồng giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đối tác trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Giám sát để tránh hệ lụy tiêu cực 

Chuẩn bị kịch bản “giải cứu” nền kinh tế nếu Covid-19 kéo dài quá quý II - Ảnh minh hoạ 2

Những chính sách "giải cứu", theo khuyến nghị, tập trung không chỉ vào khả năng thanh khoản mà còn là khả năng thanh toán (tồn tại hay phá sản) của các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Lãi suất có thể cắt giảm thêm 1 – 2%.

Khi các chính sách tiền tệ hay tài khóa truyền thống không đủ hỗ trợ khả năng thanh toán của doanh nghiệp thì cần có các can thiệp tài khóa trực tiếp từ chính phủ như mua lại nợ, tăng sở hữu vốn nhà nước... ở một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Cần tránh tối đa sự đổ vỡ của các tập đoàn lớn.

Khuyến nghị tiếp theo được nêu là cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, Nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính. Do vậy, đầu tư công đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Đầu tư công phải đúng mục đích, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt và cần đúng thời điểm mà nền kinh tế cần. Cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội để tránh xảy ra những hệ lụy tiêu cực.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh khuyến nghị, bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản, Việt Nam cần đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô. Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện, thì sau bệnh dịch, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng. Ngược lại sẽ mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải bệnh dịch, nền kinh tế sẽ đình trệ trong thời gian dài như giai đoạn hậu khủng hoảng 2007 – 2008.

Phương Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây