Ngày 6/1, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tòa án năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu “kinh nghiệm rất tốt” cho việc xét xử các vụ án tham nhũng thời gian tới, từ vụ AVG vừa qua.
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng xét xử và những kết quả mà toà án các cấp đạt được trong năm vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cũng đồng thời nhấn mạnh một số thành tích nổi bật, trong đó có đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Chủ tịch Quốc hội khái quát: “Có thể nói, chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và thu được kết quả nổi bật, rõ nét như hiện nay”.
Năm 2019, tòa án các cấp đã đưa ra xét xử 279 vụ với 636 bị cáo phạm các tội tham nhũng, trong đó có nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng và được dư luận xã hội quan tâm như: vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG; vụ án Phan Văn Anh Vũ về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; vụ án Nguyễn Ngọc Sự và đồng phạm về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản"…
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, việc xét xử với tinh thần là "rõ đến đâu, xử đến đấy, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai"; kịp thời đưa các vụ án ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tuyên hình phạt công bằng, nghiêm minh đạt mục tiêu trừng trị, giáo dục, răn đe nhưng cũng rất nhân văn, được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao; khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Theo Chủ tịch Quốc hội, điểm sáng trong các phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng vừa qua, đó là đã áp dụng đồng bộ các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình xét xử. Như vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG hội đồng xét xử đã cho tạm dừng phiên tòa, tạo mọi điều kiện để bị cáo nộp lại tài sản tham nhũng, và ngay trước ngày tuyên án, bị cáo đã nộp đủ 66 tỷ đồng tiền nhận hối lộ.
“Đây là kinh nghiệm rất tốt cho việc xét xử các vụ án tham nhũng thời gian tới” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng với đó, tòa án các cấp qua mỗi vụ án đã chú trọng việc đưa ra các kiến nghị về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, quản lý nhà nước, quản lý cán bộ, phòng ngừa và phát hiện vi phạm, tội phạm.
Kết quả nổi bật nữa cũng được lãnh đạo Quốc hội đề cập là yêu cầu tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử đã được tòa án các cấp thực hiện tốt trong thời gian qua, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Đặc biệt, TAND tối cao đã tiến hành công khai các bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử. Đây là một trong những cơ chế hữu hiệu để người dân kiểm tra, giám sát hoạt động của tòa án, đồng thời đặt ra yêu cầu với mỗi thẩm phán phải luôn với tinh thần tự đào tạo để nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, kỹ năng xây dựng bản án, không chỉ về căn cứ, lập luận chặt chẽ, mà cả về văn phong, từ ngữ.
Về nhiệm vụ 2020, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Đối với việc xét xử các vụ án tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phát huy thành quả và kinh nghiệm vừa qua, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, áp dụng đồng bộ các biện pháp để có thể thu hồi triệt để tài sản ngay trong quá trình xét xử; chú trọng kiến nghị khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, sự buông lỏng trong quản lý cán bộ.
Đối với việc xét xử các vụ án hành chính, cần đánh giá đầy đủ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong xét xử loại án này thời gian qua và có các giải pháp cụ thể khắc phục trong thời gian tới.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn