Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc; người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện và có biện pháp hỗ trợ để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, hội nhập sở tại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.
Nhà nước đã có những chính sách thông thoáng, tạo điều kiện hơn nữa cho bà con liên quan đến quốc tịch, miễn thị thực, sở hữu nhà ở, đầu tư, kinh doanh. Quốc hội với tư cách là cơ quan lập pháp, sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào yên tâm về nước đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ, thực hiện các ý tưởng, dự án tại quê hương.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong số các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Tiêu biểu phải kể đến việc nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước nổi tiếng, từ thời các trí thức thế hệ thứ nhất từ bỏ cuộc sống đầy đủ ở Pháp theo lời kêu gọi của Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến, như giáo sư-viện sĩ Trần Đại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân, giáo sư-bác sĩ Trần Hữu Tước, giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên..., đến các giáo sư, tiến sĩ thời gian qua về nước tham gia các hoạt động, trong đó có hoạt động của Quốc hội, Chính phủ. Tổ quốc luôn ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết, tài năng, những đóng góp quý giá cho quê hương của các thế hệ kiều bào tại Pháp. Đảng, Nhà nước đánh giá cao nỗ lực chung tay tạo ra một hình ảnh đẹp về người Việt Nam: gắn bó sâu sắc với nguồn cội, luôn hướng về quê hương, đồng thời tôn trọng và hòa nhập vào xã hội Pháp, đóng góp nhiều mặt cho thành công chung của nước Pháp trên các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, văn hóa...
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của các hội đoàn người Việt tại Pháp, trước hết là Hội người Việt Nam tại Pháp, tiền thân của hội là "Nhóm người An Nam yêu nước" do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập năm 1919. Từ đó đến nay, hội luôn phát huy vai trò là hội đoàn có uy tín, ảnh hưởng lớn, tập hợp được đông đảo thành phần, thế hệ.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Hội người Việt Nam tại Pháp là minh chứng sống động của chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Nhấn mạnh rằng, truyền thống 100 năm của phong trào người Việt Nam tại Pháp là di sản quý báu, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, các thế hệ người Việt Nam tại Pháp tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ sau, tiếp tục giữ gìn và phát huy di sản quý báu này; có nhiều đóng góp hơn nữa vào đời sống kinh tế-xã hội ở nước sở tại; tiếp tục gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc, gìn giữ tiếng Việt, góp phần xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Hội người Việt Nam tại Pháp tiếp tục sứ mệnh gắn kết cộng đồng, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau…
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Hội Người Việt Nam tại Pháp vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng, củng cố, phát triển cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ Ban tổ chức "Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng"
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu đã có sáng kiến, ý tưởng tổ chức Diễn đàn này từ ngày 30-31/3/2019 tại Paris. Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu thông báo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về "Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng" lần đầu tiên được tổ chức tại Paris, Pháp.
Diễn đàn có sự tham dự của 200 người Việt Nam ở nước ngoài, đến từ 25 quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều người có trình độ học vấn cao và thành công trong nhiều lĩnh vực, góp phần kết nối những người Việt xuất sắc trên thế giới, để cùng hướng trái tim và trí óc về Việt Nam. Khát vọng của những người Việt Nam tham gia diễn đàn là xây dựng được một mạng lưới nhân tài người Việt trên khắp thế giới, cùng hành động vì một Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng. Điều này có thể kỳ vọng việc tạo ra những bước tiến nhảy vọt cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam nếu tận dụng được tiềm năng này.
Giáo sư Nguyễn Đức Khương cũng cho biết chủ đề chính của Diễn đàn lần thứ 1 là tập trung phát triển thương hiệu Việt Nam trong nông nghiệp, du lịch và công nghệ đổi mới sáng tạo; khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế tri thức thì những người Việt tiêu biểu trên toàn cầu có thể kết nối và có những đóng góp cụ thể, thiết thực cho đất nước, khẳng định những giá trị thương hiệu Việt Nam trên toàn thế giới dựa trên những giá trị cốt lõi là con người và tri thức. Những ý kiến đóng góp của đại diện các thành viên đều khẳng định tinh thần đoàn kết để đưa Việt Nam ngày càng phát triển. Các thành viên Ban tổ chức mong muốn có sáng kiến cụ thể về phát triển thương hiệu của Việt Nam ra thế giới bằng cách giúp Việt Nam tiếp cận thị trường vốn và quan trọng là tri thức của thế giới…
Đại diện Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu cũng cho biết, để cụ thể hóa việc nâng tầm thương hiệu Việt Nam, sắp tới sẽ tổ chức Diễn đàn kiều bào toàn cầu lần thứ 1, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tại Hàn Quốc. Diễn đàn này sẽ tập trung đông đảo doanh nhân người Việt tại nước ngoài cùng thực hiện mục tiêu chung là thúc đẩy giao thương thế giới đến Việt Nam, nâng tầm thương hiệu Việt Nam ra thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh sáng kiến rất thiết thực và quan trọng của những trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là những ý tưởng sẽ kết nối được trí tuệ, chất xám và nhiệt huyết của người Việt với mong muốn đưa đất nước Việt Nam ngày càng phát triển. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những tấm lòng của những trí thức kiều bào luôn hướng về quê hương, đất nước; đồng thời cho rằng, mỗi diễn đàn tổ chức cần đưa ra được thông điệp cụ thể trên nền tảng những định hướng phát triển của Việt Nam, từ đó đưa ra được những kiến nghị thiết thực thực hiện mục tiêu đó.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội đang xây dựng Quốc hội điện tử nhằm đáp ứng hơn nữa sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Đó sẽ là kho kiến thức và kênh kết nối tri thức; là kênh hữu ích để Quốc hội chọn lọc thông tin đúng và đầy đủ để đưa ra những chính sách đúng đắn thông qua hệ thống luật pháp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia đóng góp thông qua kênh này.
* Hướng tới kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 100 năm thành lập Hội người Việt Nam tại Pháp, chiều 31/3 (giờ địa phương) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới dự Triển lãm Tài liệu lưu trữ “Hồ Chí Minh-Danh nhân văn hóa” tại Trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Paris, Pháp. Triển lãm do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức./.
Hoàng Thị Hoa
TTXVN
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn