Sáng 19/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ có buổi tiếp xúc cử tri tại Quân khu 9.
Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt là để góp phần phát triển kinh tế
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Xuân – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã thông báo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ông Xuân cho biết, kỳ họp Quốc hội (QH) diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ từ QH tham luận sang QH tranh luận được dư luận và xã hội đánh giá cao.
Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri ở QK 9 sáng 19/6
Các dự án luật được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp này như Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt; Luật an ninh mạng… được thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định phù hợp trên cơ sở nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân.
Kết quả kỳ họp cho thấy hoạt động của QH ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân được cử tri cả nước quan tâm, theo dõi sát sao, kịp thời, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng vào các nội dung QH xem xét, thảo luận.
Tại hội nghị, nói về dự thảo Luật đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua tình hình đất nước chỗ này, chỗ khác xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, thậm chí hệ thống chính quyền có những nơi bị động và lúng túng trong xử lý. Tuy nhiên địa bàn quân khu 9, Cần Thơ cơ bản tốt, trật tự an ninh xã hội được đảm bảo.
“Quốc hội biểu dương và hoan nghênh tinh thần yêu nước của nhân dân, nhưng đừng để lòng yêu nước bị những kẻ lợi dụng dân chủ xuyên tạc, kích động, gây rối để từ tình yêu nước trở thành phá hoại đất nước, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân”, bà Ngân nói.
Cử tri nêu câu hỏi với Chủ tịch Quốc hội
“Tôi nói rõ luật này nhằm xây dựng một định hướng góp phần hoàn thiện kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng. Đặc khu là để góp phần phát triển kinh tế tạo vùng động lực để xây dựng đất nước. Nếu xây dựng đặc khu mà ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền quốc gia thì chúng ta không làm. Chúng ta không thể đơn giản đề ra luật, hình thành một đơn vị đặc khu mà làm cho đất nước khó khăn”, bà Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, những kẻ phá hoại gây rối vừa rồi là những người không yêu nước nhưng vỗ ngực tự xưng mình là người yêu nước. “Biết bao nhiêu thế hệ chiến sĩ đồng bào đã ngã xuống vì mảnh đất này, chúng ta không đơn giản mà làm cho thiệt hại quyền lợi của đất nước. Tôi nói lần này tiếp cử tri là tiếp xúc với các đồng chí tinh túy, nòng cốt tinh túy của lực lượng vũ trang để mỗi người là 1 tuyên truyền viên, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước”.
Người đứng đầu QH cũng khẳng định: “Trong quá trình làm dự án luật này, QH rất lắng nghe ý kiến của nhân dân. Nhiều cử tri tâm huyết gửi thư cho QH và góp ý. Chúng tôi tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân, dời lại một kỳ nữa để nghe ý kiến để ra luật cho bảo đảm”.
Luật an ninh mạng không điều chỉnh quyền tự do ngôn luận
Nói về luật an ninh mạng, tại buổi tiếp xúc cử tri, chủ tịch QH cũng cho biết: Luật an ninh mạng không cấm người dân vào mạng nhưng không được dùng công cụ này phá hoại an ninh Quốc gia và xúc phạm danh dự nhân phẩm của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Internet chúng ta được dùng thoải mái, thế giới dùng cái gì ta dùng cái đó.
Chủ tịch Quốc hội tại buổi tiếp xúc cử ở quân khu 9, sáng nay (19/6)
“Việt Nam được tự do tiếp cận internet, chúng ta có 90 triệu dân thôi nhưng 65 triệu tài khoản facebook . Nhiều người lên đó đặt điều nói xấu, vu khống nhau, chúng ta có chấp nhận được một xã hội như thế không? Chúng ta phải có luật này, bởi vì việc phát triển như vũ bảo của khoa học công nghệ, không gian mạng trở thành bộ phận cấu thành không thể thiếu, nó đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức.
Sự phát triển bùng nổ của công nghệ mạng mang tính đột phá, phục vụ cho chúng ta lợi ích trong đời sống rất nhiều, nhưng mặt khác cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa nghiêm trọng. Hiện đã có hơn 80 quốc gia vùng lãnh thổ có những văn bản luật, dưới luật để phòng và chống lại nguy cơ đe dọa tới an ninh quốc gia từ không gian mạng. Đồng thời, người ta thành lập những lực lượng chuyên trách về an ninh mạng”, bà Ngân cho biết.
Chủ tịch QH cũng nhắc lại lời của một giáo sư, nhà khoa học: “Không gian mạng cũng chính là lĩnh vực chủ quyền của bất cứ Quốc gia nào. Nó không khác gì chủ quyền lãnh thổ hay chủ quyền không phận, chủ quyền lãnh hải, hay nói cách khác đây là không gian nơi diễn ra hành động thù địch không kém phần nguy hiểm so với các hành động thật. Bất cứ Quốc gia nào cũng không thể xem thường vấn đề này”.
5 tháng đầu năm của năm 2018 chúng ta ghi nhận hơn 3000 sự cố máy tính, sự cố tấn công mạng Việt Nam. Chúng ta bị xếp vào vị trí 10 quốc gia có nhiều nguy cơ mất an ninh mạng. Trong bối cảnh như thế chúng ta xây dựng luật an ninh mạng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để phòng ngừa, sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng của chúng ta, để bảo vệ chủ quyền lợi ích quốc gia, giữ vững trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch QH cũng khẳng định: “Quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm, chính kiến trên không gian mạng không bị điều chỉnh bởi luật này”.
Tác giả: Phạm Tâm
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn