Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ đã dành trọn 1 ngày làm việc tại Quảng Ninh để bàn các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, y tế tại địa phương có tiếng là năng động, sáng tạo nhất nước này.
Từ trái quá phải: ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh (Ảnh: Đình Nam)
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra những yếu kém trong lĩnh vực y tế, giáo dục trước khi triển khai đề án 25 (“Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”).
Thứ nhất là tổ chức bộ máy cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo. Chỉ tính riêng bộ máy văn phòng và bộ phận phục vụ đã chiếm 20-35% trong tổn biên chế; trên 70% đơn vị sự nghiệp y tế còn thụ hưởng ngân sách nhà nước; chiếm 90% tổng biên chế công chức, viên chức, hợp đồng lao động...
Tiếp đó là cơ chế phân bổ ngân sách chủ yếu dựa trên số lượng biên chế, đầu mối (số giường bệnh/bệnh viện; số lớp học/trường học) làm tăng đầu mối hưởng ngân sách đồng thời tạo cơ chế xin – cho, phân bổ nguồn lực không hiệu quả.
Cuối cùng là các tiêu chí “chuẩn” y tế, giáo dục còn hình thức, thiếu thực tiễn.
Trước những ý kiến nhìn thẳng vào yếu kém trong giáo dục - y tế của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Nếu cứ làm như từ trước đến nay thì sẽ rất khó có được sự thay đổi”. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Ninh tìm tòi, có hướng đi chủ lực và làm trước một số việc.
Trao quyền tự chủ cho trường
Biểu dương những thành công trong sắp xếp trường, điểm trường, lớp học; giảm biên chế, thực hiện kiêm nhiệm nhân viên phục vụ mà tỉnh Quảng Ninh đã làm rất tốt, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh đi thẳng vào những vấn đề tỉnh này đang vướng mắc để bàn giải pháp tháo gỡ.
Báo cáo Phó Thủ tướng, bà Đỗ Thị Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nêu ra 5 nội dung kiến nghị đề xuất liên quan đến giáo dục.
Cụ thể, về chính sách đối với nhà giáo, nhân viên trong trường học, lãnh đạo tỉnh đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013 về chính sách đối với nhà giáo, cánh bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và làm việc theo hợp chế độ hợp đồng lao động; đề nghị điều chỉnh các văn bản liên quan đến quy định số lượng, chức năng, nhiệm vụ của các nhân viên trường học.
Về tiêu chí trường chuẩn quốc gia, khoảng cách quy hoạch xây dựng cơ sở giáo dục, tỉnh Quảng Ninh kiến nghị được vận dụng thực hiện và tự áp dụng, phù hợp với thực tế địa phương.
Làm rõ hơn về tiêu chí trường chuẩn quốc gia, ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - cho rằng tiêu chí trường chuẩn quốc gia hiện chỉ tập trung vào cơ sở vật chất, số người làm việc và cơ cấu đội ngũ mà chưa tính đến chất lượng hiệu quả, chưa chú trọng đến đối tượng chính là học sinh.
Đồng tình với các kiến nghị trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục cần xây dựng sớm văn bản quy phạm pháp luật phát huy tối đa tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương, của từng trường.
Phó Thủ tướng nêu lại câu chuyện hiện đã có hơn 20 trường đại học và dạy nghề hoàn toàn tự chủ như một xu thế tất yếu, khách quan. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh tự chủ không có nghĩa là nhà nước sẽ không cấp tiền nữa mà kinh phí sẽ được cấp dưới dạng đặt hàng nhân lực với nhà trường, cấp học bổng cho học sinh...
Phó Thủ tướng tại trường Tiểu học Yên Thanh (Ảnh: N.H)
Quan tâm đặc biệt tới việc sắp xếp hơn 400 giáo viên, nhân viên dôi dư sau khi sắp xếp lại nhân lực trong trường học, Phó Thủ tướng đã hỏi thăm trực tiếp 1 nhân viên kiêm nhiệm công việc hành chính, văn thư... tại trường Tiểu học Yên Thanh (TP Uông Bí) cũng như trao đổi với lãnh đạo Sở Giáo dục.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc sắp xếp, chuyển đổi chức năng nhiệm vụ các nhân viên trong trường; đề nghị Bộ Giáo dục sớm có khung chương trình đào tạo chuyển đổi giáo viên để các địa phương tự triển khai.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng thẳng thắn nêu quan điểm: “Cần giao quyền tự chủ tuyển dụng, bổ nhiệm cho địa phương” và đề nghị cho phép Quảng Ninh vận dụng cơ chế biên chế linh hoạt.
Chính sách y tế nghiêng về người dân
Tương tự như giáo dục, sau khi nêu những thành tựu trong công tác tiêm chủng, chủ trương theo dõi sức khỏe toàn dân, ứng dụng công nghệ thông tin... bà Đỗ Thị Hoàng cũng nêu 5 kiến nghị đề xuất cho lĩnh vực y tế. Trong đó, đáng chú ý nhất là kiến nghị triển khai tin học hóa trong ngành y tế, sử dụng chữ ký số và bệnh án điện tử trong điều trị.
Đại diện Sở Y tế Quảng Ninh, BS CK I. Vũ Văn Diện, Giám đốc Sở, nêu thực tế vướng mắc trong triển khai công nghệ như chưa có hồ sơ, bệnh án điện tử chuẩn, kết nối giữa các bệnh viện chưa thông suốt, có tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến phải quay lại bệnh viện ban đầu xin chữ ký do chữ ký điện tử chưa có trong khi đó cán bộ trạm y tế phường xã đang phải quản lý tới 40 đầu mục sổ sách.
Trước những vướng mắc của tỉnh, Phó Thủ tướng đã thẳng thắn đề nghị Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nếu tốt có thể mở rộng ra cả nước.
Về kiến nghị cơ sở dữ liệu của người dân chưa được cập nhật để tiện cho công tác quản lý sức khỏe từng người dân, Phó Thủ tướng đề nghị đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp, chia sẻ ngay dữ liệu cho ngành y tế.
Phó Thủ tướng tại Trạm y tế phường Cộng Hòa (Ảnh: N.H)
Một thực tế trái ngược được ông Vũ Đức Đam ghi nhận là trong khi Trạm Y tế phường Cộng Hòa rất vắng vẻ thì Trung tâm Y tế Quảng Yên cách đó không xa lại chen chúc bệnh nhân chờ đợi.
“Một trạm y tế khang trang với 5 biên chế, 3 máy tính, 1 máy siêu âm mà mỗi ngày khám chưa đến 10 người. Trong khi bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân huyết áo cao lại phải chờ đợi ở Trung tâm y tế khổ vậy?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh đã thực hiện cấp phát thuốc cho bệnh nhân đái tháo đường, huyết áp cao tại xã nhưng do quy định về số lượng nên phải chuyển bớt lên tuyến trên”.
Phía Sở Y tế tỉnh này cũng cho biết trung bình 1 tháng, 1 trạm y tế chỉ khám cho khoảng 300 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh hô hấp, các bệnh mãn tính do các quy định liên quan. Trong khi đi khám tập trung, khám định kỳ có thể lên tới 600 người/đợt.
Phó Thủ tướng hỏi thăm bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Quảng Yên (Ảnh: N.H)
Thẳng thắn nhìn vào sự thật, Phó Thủ tướng nêu nguyên nhân cốt lõi của tình trạng quá tải tuyến trên, vắng vẻ tuyến dưới là do chính sách y tế bao nhiêu năm qua chỉ nghiêng về thầy thuốc chứ chưa nghiêng về bệnh nhân. Đó là tình trạng cùng một kỹ thuật, dịch vụ nhưng tuyến trên lại được thanh toán nhiều hơn tuyến dưới.
Theo đó, ông đề nghị Bộ Y tế cần ban hành ngay gói dịch vụ y tế cơ bản để dân không vượt tuyến .
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Ninh đẩy mạnh kết nối, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế để tiết kiệm cho người dân; kiên quyết đưa bệnh nhân mãn tính về tuyến cơ sở; thực hiện theo dõi sức khỏe toàn dân theo hướng không chỉ phát hiện sớm bệnh mà còn có những hướng dẫn, tư vấn phòng bệnh và đặc biệt “Đề nghị Quảng Ninh mạnh dạn làm và có gì vướng báo cáo trực tiếp lên cấp trên”.
Tác giả: Trần Phương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn