Chính phủ điện tử: “Buổi đầu chưa quen, đường cày chưa thẳng”

Thứ hai - 29/07/2019 20:55
(Dân trí) - Nghe đại diện các Bộ, ngành trình bày nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn khi triển khai các phần việc để xây dựng Chính phủ điện tử như việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sử dụng chữ ký điện tử, gửi nhận văn bản liên thông…, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục không khỏi lo lắng. >> >>

Chiều 29/7, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với 12 bộ, cơ quan để đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục.

Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử, các bộ, cơ quan đều đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao. 100% các bộ, cơ quan đã thành lập Ban Chỉ đạo và Kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Hiện đã đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng có ý nghĩa, như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet).

Về xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, các bộ, ngành đang triển khai nâng cấp hệ thống này, trong đó có một số bộ đã hoàn thành hoặc đang thử nghiệm.

Các bộ, cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước đã triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia; từ ngày 12/3/2019 đến ngày 21/7/2019, đã có hơn 68.200 văn bản gửi và hơn 203.500 văn bản nhận; 62/95 bộ, cơ quan, địa phương đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành; có 85/95 cơ quan đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ...

Về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Quyết định số 846/QĐ-TTg và 877/QĐ-TTg, có 7 bộ, cơ quan trong số 12 bộ, cơ quan kiểm tra đã hoàn thành.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ triển khai chậm và chưa đáp ứng yêu cầu như: Hiện còn 4 bộ, cơ quan chưa ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử; 5 bộ, cơ quan chưa thực hiện đúng quy định về thể thức, hình thức ký số…

Chính phủ điện tử: “Buổi đầu chưa quen, đường cày chưa thẳng”
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm giải thích về cơ quan này chỉ có 1 văn bản thực hiện gửi nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia, sử dụng chữ ký số là do quá nhiều văn bản qua lại cơ quan này là... mật.

Tỷ lệ văn bản điện tử có ký số gửi Văn phòng Chính phủ qua Trục liên thông văn bản quốc gia từ ngày 12/03/2019 đến ngày 22/7/2019 còn thấp (như: Thanh tra Chính phủ: 01/326 văn bản; Bộ Quốc phòng: 66/302 văn bản; Ngân hàng nhà nước: 124/436 văn bản...). Một số bộ, cơ quan còn lại, đạt mức từ 50-75%.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, cơ quan nêu nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, xây dựng Chính phủ điện tử.

Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ đã thực hiện kết nối trục liên thông văn bản quốc gia, triển khai chữ ký số, tuy nhiên tỷ lệ văn bản có chữ ký số vẫn còn thấp (22%), trong thời gian tới Bộ Quốc phòng tiếp tục đẩy mạnh sử dụng chữ ký số. Hiện nay Cổng Dịch vụ công của Bộ Quốc phòng đang triển khai nhưng vướng ở nguồn kinh phí đầu tư…

Đại biện Bộ Xây dựng than khó khi số dịch vụ công thực hiện trên hệ thống điện tử trực tuyến của Bộ còn thấp khi đặc thù của ngành là phải duyệt những bản vẽ, thiết kế, thi công rất “nặng”, phức tạp. Thông thường, những bộ hồ sơ này đều rất dày, dung lượng lớn, thậm chí doanh nghiệp còn phải chở hàng xe văn bản, tài liệu tới. Vì thế, việc đưa, chuyển dữ liệu trên mạng không đơn giản. Thực tế, ít đơn vị, doanh nghiệp nào lại muốn đầu tư một máy scan đến khổ giấy A0 chỉ để thỉnh thoảng gửi tài liệu, văn bản.

Việc triển khai chữ ký số giữa các đơn vị, theo đại diện Bộ Xây dựng, cũng còn quá… lộ cộ. Văn phòng Bộ này nhiều lúc “méo mặt vì địa phương gửi văn bản lên mà chỉ có mã định danh, không tiêu đề, không nội dung văn bản hoặc có văn bản đến phần chữ ký cũng chỉ thấy dòng chữ “Đã ký”, không có dấu mộc, dù là dấu điện tử… Vậy là cơ quan tiếp nhận văn bản lại phải điện thoại tìm đầu mối gửi văn bản để yêu cầu gửi mail lại.

Việc sử dụng phần mềm, hệ thống quản lý trực tuyến cũng “mắc” vì chưa có quy chuẩn. Theo đó, có quá nhiều đơn vị chào hàng các loại phần mềm, xây dựng hệ thống khác nhau, có đơn vị báo giá tới hàng trăm triệu/tháng, ngược lại, có doanh nghiệp rất nhỏ, không tên không tuổi trên thị trường lại chỉ chào giá 50-60 triệu/tháng. Chọn hàng kiểu “đắt sắt ra miếng” thì không biết phải lo kinh phí ở đâu còn tặc lưỡi lấy hàng giá rẻ thì lại ngay ngáy sợ vấn đề bảo mật thông tin…

Chia sẻ với những băn khoăn đó, đại diện Bộ Tài chính nhận xét, với tình hình như thế, nếu có thanh tra, kiểm toán vào làm việc thì khâu nào cũng sẽ là sai phạm vì ngay các văn bản đã không đúng quy chuẩn pháp luật. Bộ Tài chính thậm chí còn nhận nhiều văn bản không có cả chữ ký số của đơn vị, thậm chí chỉ là một file text ở dạng… dự thảo, chứ chưa nói chữ ký số của chức danh lãnh đạo.

“Chúng tôi kiến nghị sớm sửa Nghị định 102 chứ nếu không thì công nghệ 0.4 cũng chưa thể áp dụng, đừng nói là hướng tới 4.0” – đại diện Bộ Tài chính phân trần.

Chính phủ điện tử: “Buổi đầu chưa quen, đường cày chưa thẳng” - Ảnh minh hoạ 2
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục kết luận cuộc làm việc.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục lo ngại: “Nói như thế thì Chính phủ điện tử sẽ theo nghĩa “tử” là… bó tay, chết tắc đó”.

Ông Lục động viên “buổi đầu chưa quen, đường cày chưa thẳng ngay” nên lúc này, các cơ quan cần nỗ lực hơn nữa, bám sát kế hoạch, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan để tháo gỡ khó khăn, khớp nối hệ thống. Ông yêu cầu chuẩn bị kỹ càng từng bước để đến tháng 11 có thể triển khai đồng bộ hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia.

“Giờ đã hết tháng 7 rồi, các bộ, ngành còn 3 tháng nữa để chuẩn bị. Tuy nhiên xét chung tình hình, có thể tin rằng qua tháng 9 các bộ, ngành cơ quan sẽ hoàn thành việc chạy thử hệ thống. Đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát những khó khăn, khúc mắc, quá trình thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ  trong phiên họp thường kỳ tháng 7 này” – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kết luận.

P.Thảo  

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây