Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – cho biết: Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân, toàn dân với quyết tâm sắt đá, bằng trí thông minh, sáng tạo, lòng quả cảm, bản lĩnh kiên cường của con người Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, giành thắng lợi to lớn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Thắng lợi này đã tạo ra bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, để lại bài học lịch sử quý giá.
Theo Thượng tướng Lê Chiêm, thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968 đã làm đảo lộn về bố trí chiến lược trên chiến trường, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Qua đó, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tiến công tiếp theo mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
“Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968 khẳng định chiến lược chiến tranh “cục bộ” của Mỹ cơ bản phá sản, đồng thời mở ra thời cơ và điều kiện thuận lợi để quân và dân ta hiện thực hóa phương châm chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đánh cho mỹ cút, tiến tới đánh cho Ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị hội thảo cần làm rõ đường lối, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, cội nguồn thắng lợi của cuộc tổng tiến công, đó là tư tưởng chiến lược tiến công, dám đánh, quyết đánh và tìm ra cách đánh, cách thắng Mỹ ngay tại xào huyệt Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở các đô thị miền Nam.
“Thắng lợi của cuộc tổng tiến công đã khẳng định được bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đặc biệt là nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật chọn hướng, mục tiêu và nghi binh lừa địch; nghệ thuật tiến công bằng các phương thức tác chiến mới dành thế bất ngờ, nghệ thuật bố trí và sử dụng lực lượng”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói.
Theo Tướng Lịch, thắng lợi trên là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, đồng thời phát huy sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
“Đây là đòn đánh quyết định vào cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tại hội nghị Paris. Điều này khẳng định quân sự luôn là đòn quan trọng đối với kết quả đàm phán trên bàn hội nghị”, ông Ngô Xuân Lịch nói.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cuộc tổng công kích – tổng khởi nghĩa khu vực Sài Gòn – Gia Định Mậu Thân 1968 đã tiêu hao một lực lượng lớn của Mỹ - Ngụy, góp phần làm thất bại chiến tranh cục bộ của Mỹ - Ngụy. Từ đó, tạo ra một cục diện mới ở chiến trường miền Nam theo hướng “chuyển chiến tranh cách mạng của nhân dân miền nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chụp ảnh kỷ niệm cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
“Cuộc tổng công kích đã khẳng định sự cần thiết và hiệu quả của lực lượng Biệt động Sài Gòn, một phương thức đấu tranh quân sự sáng tạo, đặc thù trong đô thị, nơi đầu não của chế độ cũ, có hiệu suất chiến đấu cao, tận dụng được thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân, vô hiệu hóa phần lớn sức mạnh quân sự của các khí tài lớn, hiện đại của địch trong chiến đấu ở đô thị”, ông Nhân nói.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 khẳng định lòng yêu nước của nhân dân miền Nam và Sài Gòn – Gia Định, dù chế độ Mỹ - Ngụy đã thiết lập hàng chục năm, sẵn sàng ủng hộ, hy sinh vì độc lập của dân tộc và hòa bình.
“Lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là mẫu số chung của mọi người Việt Nam, là sức mạnh của dân tộc Việt Nam, cần được phát huy trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam – cho biết, hội thảo đã nhận được hơn 100 báo cáo tham luận khoa học của các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các địa phương, các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.
“Ban chỉ đạo hội thảo tin rằng, các tham luận sẽ góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đó là nền tảng khoa học vững chắc trong cuộc đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dẫn tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau”, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Tác giả: Quốc Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn