Chương trình làm việc trong ngày thứ 3 của phiên chất vấn có sự điều chỉnh so với dự kiến trước đó. Theo thông báo trước phiên chất vấn, do chương trình hoạt động đối ngoại, Thủ tướng chỉ báo cáo thêm về một số vấn đề trong khoảng 45 phút (từ 15h50 tới 16h35) vào chiều nay, 1/11, trước khi phiên chất vấn kết thúc.
Tuy nhiên, chương trình làm việc cụ thể của ngày hôm nay, phần dự kiến dành cho Thủ tướng có thêm nội dung “trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội” bên cạnh phần phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Theo đó, từ đầu buổi sáng 1/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị bộ phận giúp việc của Thủ tướng ghi chép đầy đủ các chất vấn của các đại biểu Quốc hội dành cho Thủ tướng, để báo cáo Thủ tướng chuẩn bị trả lời vào cuối buổi chiều nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ trong lần ra mắt Quốc hội 2,5 năm trước
Trong hàng chục chất vấn dành cho Thủ tướng đã được nêu trong 3 ngày qua, có chất vấn về tính minh bạch của Chính phủ và giải pháp để hoạt động của các thành viên Chính phủ đều tay hơn.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) nhận xét, nhìn vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua có thể thấy sự đánh giá của Quốc hội với việc điều hành của Chính phủ khi tín nhiệm với Thủ tướng rất cao trong khi các Bộ trưởng được đánh giá tín nhiệm cao thấp khác nhau.
Kết quả cho thấy, có Bộ trưởng đã nỗ lực để khắc phục những hạn chế, giải quyết các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực điều hành của mình nhiều năm qua và việc đó đã mang lại hiệu quả. Nhưng kết quả lấy phiếu cũng cho thấy hoạt động của nhiều Bộ trưởng hiệu quả chưa cao.
Đại biểu Quyết Tâm muốn biết Thủ tướng có giải pháp gì để hoạt động của các thành viên Chính phủ đều tay hơn?
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) thì cho biết, cử tri đang rất quan tâm và kỳ vọng vào quyết tâm của Chính phủ trong việc trị căn bệnh sợ minh bạch. Ông chuyển tới Thủ tướng câu hỏi của cử tri tỉnh Bạc Liêu đề nghị Thủ tướng cho biết mức độ hài lòng của Thủ tướng về tính minh bạch của Chính phủ thời gian qua và giải pháp nào mang tính đột phá vào thời gian tới?
Trước đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị Thủ tướng chia sẻ quan điểm về thực tế trong thời gian qua một số ngành, địa phương để xảy ra rất nhiều sai phạm trong công tác cán bộ nhưng không có một trưởng ngành, Bộ trưởng, người đứng đầu địa phương nào bị xử lý, vậy vấn đề giải quyết trách nhiệm như thế nào.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) gửi đến Thủ tướng câu hỏi liên quan đến việc thực hiện Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ về quản lý đất đai tại Đà Nẵng. Theo kết luận này, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng thực hiện hai nội dung lớn:Thứ nhất là thu hồi để sửa lại về thời hạn sử đụng dất trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền Đà Nẵng đã cấp phát sai; Thứ hai là thu hồi số tiền 5 và 10% mà chính quyền đã giảm trong cấp giấy chứng nhận trong một số các dự án đền bù, giải tỏa.
Theo đại biểu, để thực hiện kết luận này, chính quyền Đà Nẵng buộc phải hạn chế quyền của người sử dụng đất bằng cách tạm thời không cho giao dịch chuyển nhượng, xây dựng trên đất. Điều này đã gây ra những ách tắc lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp cũng như phản ứng quyết liệt trong các buổi tiếp xúc cử tri của đoàn bởi lẽ hầu hết những trường hợp này là những người đã nhận chuyển nhượng, họ không phải là những người đã được giảm 5 và 10% đó và đây đang là vấn đề rất nóng của địa phương. Do vậy tháng 6/2018 đoàn đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Bà Hoa chất vấn Thủ tướng phương án xử lý vấn đề này như thế nào để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn