Thanh tra Chính phủ đang tiến hành xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Sẽ có Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập
Theo dự thảo, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận bản kê khai của những người có phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,9 trở lên; Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc, Trưởng ban Kiểm soát, Kế toán trưởng doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Uỷ ban quản lý vốn nhà nước trực tiếp làm chủ đại diện chủ sở hữu.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận, bàn giao bản kê khai của mình và của người thuộc phạm vi quản lý, sử dụng của mình cho Thanh tra Chính phủ tại đơn vị quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định việc tổ chức tiếp nhận, bàn giao bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc phạm vi kiểm soát tài sản, thu nhập của mình. Việc nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia được thực hiện theo quy định của Thanh tra Chính phủ.
Thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập phải được lưu trữ đầy đủ, kịp thời, chính xác; khai thác sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
“Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm toàn bộ thông tin về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan kiểm soát thu nhập, tài sản theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018”- dự thảo nêu rõ.
Cơ sở dữ liệu được xây dựng phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia, an ninh thông tin và được quản lý tại đơn vị trực thuộc Cục phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), kết nối với cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập được xây dựng tại các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Tổng Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ của đơn vị quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập và Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu này.
Cơ quan kiểm tài sản, thu nhập cung cấp thông tin, dữ liệu liên quan đến người có nghĩa vụ kê khai thuộc phạm vi kiểm soát của mình.
Thanh tra Chính phủ cung cấp thông tin theo yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Hội đồng bầu cử Quốc gia.
Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành Quy chế về khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Công khai bản kê khai tài sản như thế nào?
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng hình thức niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
Việc công khai được thực hiện chậm nhất 5 ngày kể từ ngày cơ quan, đơn vị bàn giao Bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, nhập có thẩm quyền.
Thời gian niêm yết là 30 ngày. Vị trí niêm yết phải đảm bảo an toàn, thuận tiện để mọi người trong cơ quan, tổ chức, đơn vị xem các bản kê khai.
Sau khi niêm yết, người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm lập biên bản về việc tổ chức công khai, trong đó ghi rõ các bản kê khai đã được niêm yết, có ký xác nhận của người đứng đầu cơ quan và đại diện tổ chức công đoàn.
Ngoài ra, bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, đơn vị được công khai bằng hình thức niêm yết tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
Về xử lý vi phạm, dự thảo quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tuỳ tính chất, mức độ mà bị xử lý cảnh cáo, hoặc miễn nhiệm.
Người có nghĩa vụ kê khai có hành vi cản trở, chống đối cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát tài sản, thu nhập, tẩu tán tài sản thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sỹ quan, tước danh hiệu quân đội, công an nhân dân.
Người chậm nộp bản kê khai tài sản, thu nhập mà không có lý do chính đáng thì bị xử lý kỷ luật: Khiển trách nếu chậm nộp trên 15-30 ngày; Cảnh cáo nếu chậm nộp trên 30-45 ngày; buộc thôi việc nếu chậm nộp trên 45 ngày.
Quyết định kỷ luật đối với người vi phạm quy định về kiểm soát tài sản được niêm yết công khai tại cơ quan, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật thường xuyên làm việc trong thời hạn 30 ngày.
Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn