Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã phân tích, đánh giá diễn biến hình dịch bệnh bệnh và giải pháp ứng phó; thảo luận về việc có tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về cách ly toàn xã hội hay không, hình thức áp dụng như thế nào, công tác bảo đảm hậu cần phục vụ phòng chống dịch và dự trữ quốc gia; xuất khẩu trang thiết bị y tế có kiểm soát;…
Nếu nới lỏng dịch có thể bùng phát
Qua phân tích dữ liệu tình hình dịch bệnh trong nước, đánh giá các nguy cơ rủi ro, các ý kiến tham dự cuộc họp khẳng định: Thời gian qua, chúng ta vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, nếu nới lỏng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và “chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất: Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài. Ảnh: VGP/Đình Nam
Do đó, cùng với việc kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị, dập dịch) thì công tác truy vết ca bệnh kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống COVID-19.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo tổng kết của thế giới và Việt Nam, đây là biện pháp quan trọng để cùng các giải pháp khác giúp ngăn chặn dịch bệnh lây qua đường hô hấp.
Trong những ngày đầu, một số địa phương hiểu chưa đúng, chưa rõ Chỉ thị 16 nên đã có việc áp dụng khác nhau giữa các địa phương. Có địa phương áp dụng rất mạnh, đã gần như “ngăn sông cấm chợ”, nhưng có địa phương chưa biết cách làm. Tuy nhiên, sau khi có hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, cách ly xã hội đã được thực hiện tốt.
“Trong những ngày đầu, cách ly xã hội được thực hiện nghiêm. Nhưng những ngày gần đây, khi các ca mắc COVID-19 thấp hơn nên người dân sinh ra tâm lý chủ quan và ra đường đông hơn so với những ngày đầu”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Các ý kiến tại cuộc họp cũng cho hay đương nhiên việc thực hiện cách ly toàn xã hội sẽ ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp, nhưng với quan điểm “sức khoẻ là trên hết”, “còn người còn của”, chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định này.
Trước hết, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 (đến ngày 15/4) để tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh, tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm quy định về cách ly xã hội; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ban Chỉ đạo đã tập trung phân tích và thống nhất sau khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị mới trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh. Đối với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin, truyền thông để truy vết, giám sát các ca bệnh; giám sát việc thực hiện cách ly xã hội.
Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các địa phương có bộ phận cập nhật dữ liệu dịch bệnh thống nhất để hình thành hệ thống dữ liệu trong cả nước, phân nhóm những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, nguy cơ thấp. Tổ chức các tổ truy vết ở cả Trung ương lẫn địa phương luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có ca nhiễm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch bệnh
Liên quan đến nội dung này, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT, Viettel cũng đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch bệnh như: Triển khai hoạt động giám sát phục vụ yêu cầu giãn cách xã hội theo từng tình huống cụ thể; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh qua việc sử dụng tiền mặt trong mua, bán hàng hoá.
Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp để “chặn đến cùng” tất cả các ca xâm nhập; chưa nới lỏng chính sách nhập cảnh; giám sát chặt nhóm người mắc các bệnh giống cúm (qua những người mua thuốc); triển khai xét nghiệm điểm một số nhóm đối tượng (lao động phổ thông, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung); kiểm soát chặt chẽ các địa điểm tập trung đông người (cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các di tích, danh thắng; khu du lịch, vui chơi, giải trí; chợ đầu mối, chợ dân sinh; làng nghề, bếp ăn tập thể,…).
Bên cạnh các giải pháp về phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về xã hội, quan tâm tới nhóm người yếu thế gặp khó khăn vì dịch bệnh; đồng thời xem xét tiến hành nới lỏng trên cơ sở có biện pháp kiểm soát phù hợp đối với một số ngành hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu…
Chỉ xuất khẩu khẩu trang khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế
Về công tác hậu cần, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cho biết, chúng ta đã sản xuất thành công khẩu trang vải chống thấm (khẩu trang 870), được nhiều nước đánh giá cao, do đó cần đẩy mạnh quảng bá để xuất khẩu sản phẩm này.
Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu Bộ Y tế Ảnh:VGP/Đình Nam
Về khẩu trang y tế, hiện chúng ta đã chủ động nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất khẩu trang y tế và quần áo chống dịch. Số lượng này cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ phải nêu cao trách nhiệm xã hội, chỉ xuất khẩu sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Đồng thời, chúng ta chỉ khuyến khích xuất khẩu đối với những doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Song song với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để chủ động hơn nữa nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất khẩu trang, trang phục bảo hộ.
Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế và Bộ Công an phối hợp rà soát và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ.
Theo:https://suckhoedoisong.vn/can-tiep-tuc-thuc-hien-nghiem-chi-thi-16-de-ngan-chan-dich-covid-19-n172238.html
Tác giả: Thái Bình
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn