Chiều 12/11, UB Thường vụ Quốc hội bước vào phiên họp thứ 19. Sau phần khai mạc, Thường vụ đã cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo báo cáo giám sát, đến nay, số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh là 3903 người, trong đó có 637 đại biểu hoạt động chuyên trách (chiếm 16,32%). Địa phương có tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách cao nhất là Đà Nẵng (26,53%), thấp nhất là An Giang (9,6%).
Theo thống kê, hiện có 24 Chủ tịch HDND cấp tỉnh là ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, 2 người là Ủy viên dự khuyết, 25 người là Phó Bí thư tỉnh ủy, 7 người là ủy viên Ban thường vụ Tỉnh/thành ủy.
Về những kết quả đạt được, Đoàn giám sát đánh giá: Những điểm mới được quy định trong Luật về tổ chức, bộ máy và hoạt động của HĐND đã đáp ứng được phần lớn những yêu cầu trong việc nâng cao vị thế và vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị ở địa phương. Có thể nói, bước đầu các quy định của luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Luật có liên quan đã đi vào thực tiễn hoạt động của HĐND, khẳng định được vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, hoạt động hiệu quả, hiệu lực và thực quyền hơn.
Tuy vậy, báo cáo giám sát cũng chỉ ra nhiều điểm còn tồn tại, hạn chế. Đó là ban hành nghị quyết chưa đảm bảo chặt chẽ theo trình tự luật định... Hoạt động giám sát, theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận giám sát chưa được thực hiện thường xuyên. Hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít, thành phần tham gia chủ yếu là cán bộ xã, thôn, bản, khu phố... Việc tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện; một số đại biểu hoạt động không chuyên trách chưa làm tốt vai trò của người đại biểu...
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo ngại về hiệu quả hoạt động hoạch định chính sách của các HĐND.
“Với các cơ quan khác còn có thể châm chước chứ nơi ban hành quy định ở địa phương mà Nghị quyết làm ra không chặt chẽ theo trình tự luật định thì nguy hiểm. Văn bản quy phạm pháp luật có sai sót thì gây ra hậu quả vô cùng lớn” – ông Giàu nói.
Ngoài ra, Chủ nhiệm UB Đối ngoại cũng cũng bày tỏ lo ngại về bố trí cán bộ trong cơ cấu HĐND. Ông nhấn mạnh: “Vai trò cơ quan dân cử càng ngày càng nặng nề hơn mà bố trí thế này là không phù hợp, như có đến 4 đồng chí Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh không phải cấp ủy. Giả sử có rủi ro gì đó thì hậu quả rất nghiêm trọng, mà nó bắt nguồn từ công tác cán bộ”.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt nhận xét, nhiều vụ việc thực tế xảy ra ở địa phương vừa qua cho thấy hoạt động của HĐND nhiều nơi còn hình thức. Đó không phải vì vị trí, vai trò của HĐND thấp mà tại vì bố trí cán bộ không đạt yêu cầu. Thực tế vẫn có chuyện cán bộ nào kém, không làm được việc thì đưa sang HĐND “cho đỡ vướng chân”.
Ông Võ Trọng Việt cũng chỉ rõ 2 vấn đề nổi lên hiện nay đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giám sát của cơ quan dân cử cũng như hoạt động của chính quyền.
Theo đó, Đảng đã có những văn bản, chủ trương thức tỉnh, răn đe đội ngũ cán bộ khi ở một số tỉnh thành vẫn còn “nhiều ông làm vương, làm tướng”.
“Tôi thấy thấm thía việc một số cán bộ địa phương bị kỷ luật vừa qua. Rất đau lòng là nhiều nơi để cán bộ sai phạm như thế mà HĐND – cơ quan giám sát, không biết, để việc bung bét ra, mất, hỏng cán bộ” – tướng Võ Trọng Việt bày tỏ.
Ông Việt cũng nhận xét, điểm cản trở lớn với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử tại địa phương là tính nể nang trong HĐND vẫn còn rất lớn vì trong phạm vi một huyện, tỉnh, hầu hết những người trong Hội đồng đều quen thuộc nhau, khó dám “làm tới”.
So sánh với cơ chế giám sát trực tiếp của người dân, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, HĐND cần khai thác tốt hơn việc lấy ý kiến nhân dân cho những quyết định tại địa phương mình.
“Đơn cử vụ việc tại BOT Cai Lậy vừa qua, nếu HĐND tỉnh Tiền Giang, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách đầy đủ thì trạm BOT này không phức tạp như hiện giờ” – ông Thanh nhận xét.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân vân: “Có điều ta chưa nói ra được, là nhận thức về vị trí, vai trò của cơ quan dân cử đã đúng chưa, có phần nào xem nhẹ không? Ở địa phương, nếu còn nhận thức là xem nhẹ cơ quan dân cử thì báo cáo giám sát cũng phải có thái độ. Việc bố trí cán bộ hay một số phát ngôn của cán bộ địa phương đã thể hiện thái độ xem nhẹ”.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn