Nguyên Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp bàn về sự gương mẫu của cán bộ.
Có thể nói, sau các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục thảo luận và tiến tới ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương đã nhận được sự tán đồng cao của các tầng lớp nhân dân.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Lê Doãn Hợp đánh giá đây là một sự bắt mạch chính xác, nhưng ông nhấn mạnh cần tổ chức thực hiện quyết liệt hơn để những chủ trương đó được đưa vào cuộc sống phát huy hiệu quả cao nhất.
Hiểu về gương mẫu thế nào cho đúng
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Doãn Hợp khẳng định, Hội nghị Trung ương 8 bàn vấn đề nêu gương trước hết của cán bộ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương là vô cùng cần thiết và cấp thiết. Thực ra, Đảng ta cần sự nêu gương như thế từ lâu nhưng đã bị sao nhãng quá dài. Tất cả cán bộ đều nêu gương là điều mà người dân mong chờ nhất, đó cũng là sự tín nhiệm cao nhất của người dân với cán bộ và đảng cầm quyền.
Theo Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, có rất nhiều yêu cầu đặt ra đối với việc nêu gương, nhưng tựu chung theo ông, cần nhất là 3 yêu cầu:
Thứ nhất là nêu gương trong tư duy. Là cán bộ lãnh đạo phải suy nghĩ để làm gì vì dân, vì nước, vì chấn hưng dân tộc; phải đi trước, vượt trước, phải biết định hướng cho cả dân tộc, cho cả đơn vị, tập thể tiến lên, chứ không thể nước đến chân mới nhảy. Cán bộ lãnh đạo phải luôn thường trực tư duy này.
Thứ hai là nêu gương trong hành động. Sự nêu gương này rất quan trọng. Khi anh đã nghĩ đúng thì phải tổ chức hành động để thành công. Nêu gương trong hành động là anh phải làm trước, đi trước, phải làm mẫu, làm gương, phải xả thân vì những việc mình đã định ra được coi là đúng đắn và coi đó là cách tốt nhất để tập hợp lực lượng, tập hợp nhân tài. Có thể mềm dẻo trong định hướng, nhưng tổ chức hành động phải mạnh mẽ, cứng rắn mới đưa được những chủ trương đúng đắn vào cuộc sống.
Thứ ba là nêu gương trong hưởng thụ. Lãnh đạo là người tạo lợi ích cho mọi người trước, mình hưởng thụ sau. Mình hưởng thụ trên nền tảng vì mọi người và hưởng thụ đúng với công sức của mình bỏ ra, được mọi người ghi nhận, tôn vinh.
“Gương mẫu cả trong tư duy và hành động, lẫn hưởng thụ, tôi tin chắc là tiêu chuẩn cần nhất lúc này của người lãnh đạo. Dân cần, Đảng cũng cần, nhất là khi Đảng đang thực sự dũng cảm sửa đổi để chống lại những hành vi tiêu cực, sai trái, đặt toàn bộ lợi ích của nước, của dân lên trên hết”.
Ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh quan điểm trên, đồng thời khẳng định, bài học về sự nêu gương ấy cũng chính là đạo đức, phong cách, là giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những giá trị ấy được gói gọn trong cụm từ “nêu gương và bình dị” mà Người đã xây dựng giá trị ấy bằng cả cuộc đời mình. Vĩ đại, văn hóa chính nằm ở sự bình dị, nêu gương. Đảng ta nếu làm được điều này thì tuyệt vời. Tuy nhiên, đáng tiếc là việc học và làm theo những giá trị của Bác trên thực tế chưa được bao nhiêu.
Cán bộ có đạo đức cũng sẽ gương mẫu
Ông Lê Doãn Hợp cũng cho rằng sự gương mẫu của cán bộ được thể hiện cả ở đức và tài. Người lãnh đạo có đức cũng sẽ gương mẫu. Nhờ biết gương mẫu họ mới trở thành cán bộ, nếu không gương mẫu thì không còn vai trò lãnh đạo, nói không ai nghe, không lãnh đạo được ai. Một khi quần chúng không tin cậy là họ không ủng hộ, như vậy thì anh làm sao có thể tạo dựng được phong trào.
Tuy nhiên, nếu nói đạo đức mà chỉ đề cập đến gương mẫu thôi, theo ông Hợp là chưa đủ. Yếu tố thứ hai cần phải có trong đạo đức của người làm cán bộ là phải dân chủ. Dân chủ để ít phạm sai lầm, để thông thoáng tư tưởng, để tiếp cận thông tin, và tập hợp trí tuệ. Nhờ dân chủ người ta mới soi xét, giúp đỡ, có vậy anh mới giữ được đạo đức.
“Nơi nào mà đúng nhiều hơn sai thì ở đó cấp trên dễ mở rộng dân chủ; ở đâu sai nhiều hơn đúng là ở đó dân chủ bị bóp nghẹt, bởi đơn giản, cán bộ sợ mở rộng dân chủ sẽ tự đánh vào mình. Cho nên mới nói dân chủ là thước đo. Ngày xưa, 96% người dân mù chữ nhưng Bác Hồ luôn hỏi ý kiến của dân. Bây giờ, 100% người dân biết chữ, mà không dân chủ như vậy là tự đánh mất đi trí tuệ. Đừng bao giờ nghĩ đã là lãnh đạo thì sẽ hơn quần chúng khi dân trí đang ngày càng được nâng cao”.
Yếu tố thứ ba cần phải có trong đạo đức của người đứng đầu là tố chất văn hóa. Ông Hợp cho rằng, đạo đức là gốc, đạo đức phải được toát ra ngoài bằng văn hóa. Nên người có văn hóa bao giờ cũng là người có đạo đức, người có đạo đức đương nhiên là có văn hóa. Phong cách văn hóa của lãnh đạo được thể hiện ở cách họ thu phục quần chúng bằng cách không làm phiền cấp dưới. Người có văn hóa thì xuất hiện ở đâu cũng khiến quần chúng dễ chịu, tin cậy và hết mình cộng sự.
Ngoài tiêu chuẩn về đức, lãnh đạo phải có tài. Đức như cái nền để phát huy tài năng. Người có tài trước hết phải có tầm nhìn. Làm lãnh đạo phải biết định hướng, năm nay, năm sau làm gì, tại sao phải làm như thế, làm gì trước, làm gì sau. Chúng ta thấy rõ điều này ở Bác Hồ. Năm 1945, Bác bảo dù có đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành độc lập, đó là tầm nhìn của Người. Hay Bác bảo Mỹ chỉ chịu thua, khi thua trên bầu trời Hà Nội, nếu không có tầm nhìn làm sao Bác tiên lượng được việc đó. Khi lượng đoán được trước thì mới có thể chủ động, sáng tạo; đã bị động thì rất khó sáng tạo.
Người có tài là người biết phát hiện ra người tài, đào tạo, sử dụng và bảo vệ người tài. Người có tài là biết cách tập hợp mọi cái tài của người khác. Thời Bác Hồ, bao nhiêu người tài khắp nơi trên thế giới về nước lên chiến khu để nằm gai nếm mật cùng Bác. Chuyện từ bỏ nhung lụa để lên chiến khu không phải chuyện đơn giản. Sự quyết tâm ấy chỉ có được khi họ đã nhìn thấy tài năng, đạo đức của Bác Hồ để yên tâm cống hiến hết mình, vì Bác cũng là vì dân, vì nước.
Tuy nhiên trong câu chuyện phát hiện và sử dụng người tài, cần phải nhấn mạnh đến yếu tố bảo vệ người tài. Trong một tập thể, người có tài bao giờ cũng là số ít, nếu người lãnh đạo biết dũng cảm để bảo vệ người tài khỏi những ganh ghét, đố kỵ, thì cả tập thể mới được hưởng thụ mọi thành quả nhờ vài trò lãnh đạo từ sự tập hợp nhân tài.
Người có tài không chỉ biết nói giỏi mà phải biết làm giỏi, thể hiện bằng những kết quả cụ thể do mình lãnh đạo, định hướng, thực hiện mà thành công. Khi được Đảng phân công về lãnh đạo địa phương thì thước đo là thu ngân sách, là các công trình hạ tầng xã hội và phúc lợi công cộng để lại cho mai sau, là giá trị sản xuất tăng thêm, là sự đoàn kết hợp lực và ủng hộ của người dân.
Người có tài rất cần phải có bản lĩnh, bởi có lúc, có nơi, người tốt chưa đủ áp đảo được người chưa tốt nên người lãnh đạo có bản lĩnh sẽ thiết lập lại kỷ cương tạo điều kiện cho người tốt có chỗ dựa để cống hiến tốt nhất.
Người có bản lĩnh còn là người dám nghĩ, dám làm những việc trong sách chưa có, làm những điều trong đời chưa có và những việc chưa ai làm. Trong vận hội của thời CN 4.0. Người có bản lĩnh còn phải dám nói. Từ nhiều vụ án tiêu cực lớn mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo xử lý nghiêm túc gần đây, đều có bài học: Nhân dân phát hiện khá sớm nhưng rất tiếc các cơ quan có chức năng lại lần ra dấu vết quá muộn, nên khi buộc phải xử lý thì tổn thất quá nặng, thiệt hại về kinh tế chính trị đều đau hơn. Sự im lặng, cam chịu, không dám đấu tranh đồng nghĩa với việc dung dưỡng cho cái xấu nảy sinh và phát triển.
Vấn đề đạo đức, gương mẫu của cán bộ phải được thể hiện trong cả một tổng thể như thế, chứ không chỉ nói chung chung. Đạo đức của cán bộ phải được nhìn nhận ở 3 yếu tố vừa có đức, có tài và có bản lĩnh. Cán bộ có đạo đức trước hết phải biết gương mẫu. Nếu xây dựng được đội ngũ cán bộ như thế, Đảng ta mới lập lại được trật tự kỷ cương và đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công gây dựng.
Tác giả: Nguyên Bộ trưởng TT-TT Lê Doãn Hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn