“Cấm ngặt” việc bổ nhiệm người nhà trong các lĩnh vực nhạy cảm

Thứ hai - 04/12/2017 09:01
1 trong 8 nhóm giải pháp đề trong trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020 là bố trí lãnh đạo cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương; không đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020.

“Cấm ngặt” việc bổ nhiệm người nhà trong các lĩnh vực nhạy cảm
(Minh hoạ: Ngọc Diệp)

Không có đặc quyền, ngoại lệ trong xử lý tham nhũng

Mục tiêu của Chương trình nhằm tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của Chính phủ trong công tác PCTN nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng; củng cố lòng tin của nhân dân, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Chính phủ quán triệt, chương trình hành động và quá trình tổ chức thực hiện đặt trên quan điểm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng là quan trọng, cấp bách.

Chương trình hành động kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng.

Một nguyên tắc căn bản được nhấn mạnh là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền trong xử lý tham nhũng, bất kể người đó là ai.

Việc phòng chống tham nhũng cần tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.

Chính phủ đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ chủ yếu thực hiện từ nay đến năm 2020: 1- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; 2- Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ; 3- Kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ; 4- Hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng; 5- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng; 6- Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội; 7- Kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; 8- Nội luật hóa các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện và pháp luật Việt Nam; mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN ra khu vực ngoài nhà nước và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong PCTN.

Bố trí lãnh đạo tỉnh, huyện không phải người địa phương

Nhằm tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ khẩn trương rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; quy định cụ thể, rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý; quy định chức trách của từng vị trí công tác, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực hiện quy tắc ứng xử, những việc cán bộ, công chức không được làm, trách nhiệm giải trình, việc thực thi công vụ; tăng thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm, xác minh, kết luận khi có dấu hiệu tham nhũng.

Quy định và thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng; thực hiện hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Kiên quyết thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đồng bộ với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; có các chính sách tiền lương hợp lý để từng bước thực hiện chế độ tiền lương theo hướng bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu và có thu nhập khá trong xã hội...

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây