Hội thảo có sự tham gia của đại diện một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, các thành viên của Tổ Công tác Thủ tướng Chính phủ...
Tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến, quá trình cải cách của Vương quốc Anh đã đạt được nhiều kết quả tích cực với phương pháp thực hiện theo chuẩn cao của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Đây cũng là mục tiêu mà Việt Nam hướng tới.
Vì vậy, Việt Nam mong muốn được nghe những chia sẻ từ chính các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh và Bắc Ireland về tiến trình cải cách, những thuận lợi, khó khăn gặp phải trong quá trình này cũng như phương pháp, cách làm để từ đó Việt Nam căn cứ vào thực tiễn của mình, rút ra bài học cần thiết cho công cuộc cải cách tại Việt Nam.
Chia sẻ về cải cách thủ tục hành chính tại Việt Nam, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Việt Nam quan tâm, chỉ đạo sát sao trong những năm gần đây.
Thông qua sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, từ năm 2016 đến nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 13 bậc, xếp thứ 69/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã ban hành 19 Nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, dự kiến đơn giản hóa 1.097 thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân, sửa đổi 332 văn bản quy phạm pháp luật...
Với chủ trương, quan điểm chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Việt Nam đang nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hiện nay có 48/63 địa phương đã tổ chức các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; hầu hết các Bộ đã thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Việt Nam cũng thiết lập kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và đang khẩn trương xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, nhằm mang đến những lợi ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy vậy, Chính phủ, Thủ tướng Việt Nam vẫn nêu yêu cầu cần phải cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn nữa về thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Vì vậy Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu cải cách thực chất; đổi mới mạnh mẽ phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Tại hội thảo, chuyên gia đến từ Vương quốc Anh đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc cắt giảm những chính sách và quy định không còn phù hợp; các sáng kiến của Anh nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp và việc tạo tiền đề để định hướng hợp tác tại Việt Nam.
Theo đó, việc cải cách quy định tại Anh là một hành trình, từ năm 1947, Anh đã công bố chương trình cắt giảm các biện pháp kiểm soát không còn phù hợp. Qua quá trình thực hiện, đến năm 2010, Anh thực hiện rà soát các quy định không phù hợp và thực hiện chương trình cắt giảm. Kinh nghiệm của Anh cho thấy việc cắt giảm chi phí xây dựng quy định một cách bền vững mà không làm mất đi lợi ích của nó đòi hỏi một cách tiếp cận có cấu trúc và có kế hoạch trong một khoảng thời gian nhiều năm.
Chia sẻ về bối cảnh của sáng kiến cắt giảm các quy định không còn phù hợp, chuyên gia Anh cho biết, quan điểm là phải xem xét một cách thực sự, căn cơ hàng nghìn quy định đang tác động tới doanh nghiệp và cải tiến chúng theo một cách thức sáng tạo, phù hợp với các mục tiêu xã hội và môi trường. Mô hình xây dựng chính sách cở mở thu hút sự tham gia của cộng đồng, những người đi tiên phong, nhóm đại diện cho doanh nghiệp...
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc đã diễn ra lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về cải cách thủ tục hành chính giữa Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Ngoại giao và Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland có mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác trong bảo đảm thực thi cải cách thủ tục hành chính tại Việt Nam trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên, pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland là thành viên.
Bản ghi nhớ gồm 7 điều, trong đó định phạm vi, hình thức hợp tác, hỗ trợ và những vấn đề liên quan đến hợp tác, hỗ trợ trong bảo đảm thực thi cải cách thủ tục hành chính tại Việt Nam, nâng cao năng lực của cán bộ nhà nước trong việc kết nối và tham vấn với khối tư nhân, tăng cường kỹ năng phản biện và tham vấn về cải cách quy định hành chính cho cơ quan nhà nước.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn